Sau thời gian dài giá bò thịt giảm sâu, người chăn nuôi không có lãi, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc chuyển sang phát triển ngành nghề khác. Riêng CCB Bích đã chuyển sang nghề nuôi hươu sao lấy nhung, một loài vật nuôi khá mới đối với địa phương. Ông Bích cho biết, để mạnh dạn thực hiện nghề chăn nuôi hươu, ông đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu nghề nuôi hươu lấy nhung đang được nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế. Nhung hươu thành phẩm, đang được thị trường thu mua với giá khá cao hơn 20 triệu đồng/kg nhưng không có hàng. Qua nghiêu cứu, tìm hiểu các yếu tố về đặc tính, phương thức, kỹ thuật nuôi, từ khâu làm chuồng trại, thức ăn chuyên dùng, phương thức cho ăn, biện pháp phòng trừ các bệnh thường gặp và kỹ thuật lấy nhung hươu... Đầu năm 2023, CCB Bích quyết định hiện thực hóa ý tưởng và đến nhiều cơ sở chăn nuôi hươu để lựa chọn và mua 10 con hươu giống về nuôi. Qua hơn 1 năm chăm sóc, đàn hươu đã phát triển lên 15 con. Trong đó, 2 con hươu đực đã 3 lần cho thu hoạch nhung hơn 1,5 kg.
Mô hình nuôi hưu lấy nhung.
Hơn 5 năm qua, khi cây thanh long không còn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, CCB Bích đã chuyển đổi toàn bộ 1,7 ha thanh long sang trồng vườn cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi bò quy mô hình tế hộ và xây dựng 1 nhà nuôi yến. Đến nay, vườn cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch. Trong đó, 300 cây ổi cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; 250 cây dừa xiêm xanh cho thu nhập 80 triệu đồng/năm; 150 cây xoài cát cũng cho thu hoạch trái chiến khoảng 20 triệu đồng. Riêng nhà yến bình quân mỗi năm thu hoạch 12 kg yến, với giá 20 triệu/kg, thu được 240 triệu đồng. Tính ra 1,7 ha đất vườn hiện cho tổng thu trên 400 triệu đồng/năm.
Trồng dừa xiêm của CCB Nguyễn Văn Bích.
Năm 2006, gia đình ông Bích vào thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, rất khó khăn. Nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, từng trải qua hơn 4 năm chống giặc ngoại xâm trên chiến trường phía Bắc, đã tôi luyện cho ông Bích tinh thần không ngại khó, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp đã vươn lên làm giàu. Năm 2024, CCB Bích đã ở tuổi gần 65, cuộc sống gia đình đã “có của ăn của để”, 3 người con được nuôi ăn học đến nơi đến chốn và có gia đình riêng, nhưng ông vẫn hay làm, luôn suy nghĩ, nghiên cứu phương thức làm ăn mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho gia đình.