Theo đó yêu cầu triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ, gắn kết với quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cũng phải bảo đảm đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, đồng nhất trên địa bàn Bình Thuận.
Liên quan vấn đề này, địa phương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch và phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn tỉnh. Như phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô cấp tỉnh trên địa bàn Bình Thuận phù hợp và thống nhất với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Phát triển hệ thống phân phối xăng dầu, khí đốt đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn và có lộ trình phù hợp, giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn Bình Thuận. Lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, tài chính để thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo nguồn dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt…
Kế hoạch của UBND tỉnh cũng tính đến các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo nguồn lực tài chính; phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội…
Quá trình tổ chức thực hiện, Sở Công Thương được giao trách nhiệm phối hợp các sở ngành, địa phương rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về nội dung sửa đổi phù hợp (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô dưới 5.000 m3 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó còn phối hợp sở ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia/tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế, điều kiện bảo đảm môi trường, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các công trình xăng dầu, khí đốt để phù hợp quy định hiện hành liên quan. Phối hợp triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hoặc trong quá trình kinh doanh, chiết nạp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Riêng với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt - thì thực hiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt theo đúng quy hoạch. Đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả kinh tế và tuân thủ pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh xăng dầu cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra còn thực hiện giải pháp phòng ngừa thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất trong quá trình thiết kế, xây dựng công trình, vận hành, sử dụng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.