Theo dõi trên

Cần chấm dứt ngay tình trạng “nợ đọng” văn bản trong thi hành pháp luật

31/10/2019, 09:20

BTO- Ngày 30/10, ngày đầu tiên trong phiên họp tại hội trường của Quốc hội để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, qua báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực với 7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch đề ra;Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, có nhiều đổi mới, quyết liệt, chú trọng vào xử lý nhiều vấn đề lớn; với nhiều cuộc làm việc tại các vùng kinh tế và các tỉnh trong cả nước, đồng thời với việc ban hành nhiều Nghị quyết, Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn trong cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Ngoài các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra, để tạo chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả cao hơn trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2020, theo bà Phúc, Chính phủ cần đánh giá sâu kỹ hơn một số vấn đề cụ thể.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thực tế số doanh nghiệp chờ giải thể tăng 6,3% và số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2018 thực sự là vấn đề khó khăn, rất đáng quan tâm, phản ánh tình hình không thuận lợi trong môi trường đầu tư, trong cơ chế chính sách. Nhưng việc đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn này trong năm 2020 là chưa rõ, chưa cụ thể. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải phân tích, đánh giá sâu kỹ thực trạng tình hình, nguyên nhân tại sao (do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện hay là do cơ chế chính sách có gì khó khăn, bất cập, hay là do hồ sơ thủ tục …), để từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thực chất và ổn định hơn.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, tạo ra khoảng cách giữa chính sách và thực thi nên các Bộ, ngành cần có nhiều nổ lực để rà soát, loại bỏ những thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua hội nghị đối thoại của Đoàn ĐBQH Bình Thuận và ngành ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo NĐ số 57/2018 của Chính phủ là chính sách rất hữu ích, thiết thực, hỗ trợ đúng mong muốn của các doanh nghiệp.

 Nhưng thực tế, các doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này do đang vướng về thủ tục, hiện phải chờ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có hướng dẫn mới thực hiện được. Như vậy, việc chậm ban hành các văn bản thực hiện là ách tắc, cản trở việc triển khai thực hiện chính sách. Theo bà Phúc, giải pháp tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, tiến tới chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản… là giải pháp hàng đầu; giải pháp này năm nào cũng đề cập tới, nhưng thực tế tình trạng “nợ đọng” văn bản vẫn không khắc phục được. Điều đó chứng tỏ các giải pháp mà Chính phủ đưa ra là chưa hiệu quả, chưa thật phù hợp.

Vì vậy, Chính phủ cần phải rà soát lại, đề ra các giải pháp mang tính quyết liệt, hiệu quả hơn; đẩy mạnh hơn nữa việc chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân, cho doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách.

Một lĩnh vực mà cử tri đang quan tâm là an toàn thông tin và an ninh mạng. Luật An ninh mạng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, công tác quản lý mạng xã hội vẫn chưa chặt chẽ; mặc dù luật an ninh mạng đã có qui định những điều cấm nhưng trên mạng vẫn diễn ra nhiều hình ảnh, thông tin xấu độc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, chế độ nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, làm ảnh hưởng xấu đến lối sống và trật tự an toàn xã hội.

 Qua đó, cho thấy việc triển khai thực hiện luật chưa hiệu quả, nhiều nội dung của điều luật chưa đi vào cuộc sống. Vì vậy Chính phủ cần sớm đánh giá việc triển khai thực hiện Luật An ninh mạng để từ đó có giải pháp tăng cường hơn nữa công tác quản lý, công tác tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng mạng theo đúng qui định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Về phát triển kinh tế vùng biển, ven biển; theo báo cáo của Chính phủ, tiềm năng lợi thế của các vùng biển, ven biển đang được phát huy; các địa phương ven biển tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nhiều tăng trưởng mới. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống của ngư dân ở các vùng ven biển còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của thiên tai biến đối khí hậu, thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, triều cường và biển xâm thực dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiệm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

 Do đó, bà Phúc đề nghị Chính Phủ cần bổ sung giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đầu tư khắc phục tình trạng xâm thực biển, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo. Đối với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm xem xét tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho 4 dự án kè bảo vệ bờ biển cấp bách theo Quyết định 1887 ngày 31/12/2018 của Chính phủ gồm Công trình bảo vệ bờ biển Đức Long, Tiến Thành - Phan Thiết, Liên Hương - Tuy Phong và Phước Lộc – La Gi. Đây là những công trình đang thi công dở dang và đang chờ nguồn vốn của Chính phủ.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần chấm dứt ngay tình trạng “nợ đọng” văn bản trong thi hành pháp luật