Thay từ huy động thành điều động
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ phân tích về tên gọi của Mục 2 “Huy động lực lượng phòng không nhân dân” nếu dùng cụm từ “Huy động” thì có thể hiểu là lực lượng thêm hoặc lực lượng ở ngoài vào, còn lực lượng phòng không nhân dân đã có biên chế và đã có quy định cụ thể, do đó nếu dùng cụm từ “huy động” thì chưa phù hợp với nội hàm của mục này. Do đó, nên thay cụm từ “Huy động” ở Mục 2 bằng cụm từ “điều động” để phù hợp với nội hàm của Mục 2, đồng thời, thay cụm “Huy động” ở các điều khoản cụ thể tại Mục 2 bằng cụm từ “Điều động” để thống nhất với đề xuất thay đổi tên gọi Mục 2 nêu trên.
Đối với thời gian thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập quy định tại khoản 1 Điều 13 đề nghị sửa đổi từ “Thời hạn không quá 7 ngày" lên “Thời hạn không quá 12 ngày". Vì theo quy định của Luật Dân quân tự vệ thì thời gian huấn luyện, diễn tập cho lực lượng phòng không không quá 12 ngày; thời gian 7 ngày chỉ áp dụng cho lực lượng dân quân tại chỗ, do đó cần sửa đổi điều khoản nêu trên để thống nhất với Luật Dân quân tự vệ.
Điều chỉnh độ tuổi sử dụng để phù hợp
Việc quy định giới hạn độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân quy định tại Điều 14 dự thảo: “Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; nếu tình nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ” có những hạn chế nhất định, vì trong tình huống có chiến tranh xảy ra, thì lực lượng ra trận độ tuổi này là rất nhiều, lực lượng phòng không ở các địa bàn dân cư, ở các nhà máy, ở các cơ quan, đơn vị… thì độ tuổi có thể lớn hơn, do đó đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị nên nghiên cứu lại việc quy định giới hạn độ tuổi nêu trên, nên nghiên cứu thêm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định độ tuổi phù hợp hơn cho lực lượng này.
Tại điểm b Khoản 1 Điều 19 dự thảo quy định: "Kế hoạch phòng không nhân dân của địa phương do cơ quan quân sự địa phương xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt;". Theo đại biểu Sỹ, nếu Kế hoạch phòng không nhân dân của địa phương mà chỉ có cơ quan quân sự địa phương xây dựng thì chưa đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện của kế hoạch. Trong thực tiễn các cuộc diễn tập, để xây dựng kế hoạch phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị khác, do đó đề nghị sửa đổi, bổi sung điểm b Khoản 1 Điều 19 dự thảo thành: "Kế hoạch phòng không nhân dân của địa phương do cơ quan quân sự địa phương chủ trì phối hợp các ban, ngành địa phương để xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt".
Đối với điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 29, đại biểu Sỹ đề nghị bổ sung thêm điều kiện đó là: Người điều khiển tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện bay do cơ quan có thẩm quyền cấp. Phương tiện bay phải được đăng ký theo quy định. Vì để phù hợp với điểm d Khoản 1 Điều 30 đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ: Các trường hợp đình chỉ chuyến bay: "Người điều khiển bay không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, phương tiện bay chưa được đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký", việc bổ sung điểm trên vào khoản 2 Điều 29 sẽ phù hợp với điểm d Khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật.
Một vấn đề khác đó là quy định về "Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không" tại điểm c Khoản 2 Điều 29 dự thảo, theo đó, đại biểu Sỹ đề nghị cần nghiên cứu thêm về độ tuổi, vì phương tiện bay có rất nhiều loại và khi bay phục vụ nhiều mục đích khác nhau, và trong thực tế có nhiều phương tiện bay người dưới 18 tuổi cũng có thể điều khiển được, do đó cần nghiên cứu quy định độ tuổi phù hợp với từng loại phương tiện bay và mục đích sử dụng phương tiện bay trong thực tiễn (loại nào thì cho phép người từ 18 tuổi trở lên, loại nào cho phép người dưới 18 điều khiển).
Về miễn giấy phép bay quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 29 dự thảo. Đại biểu Sỹ đề nghị sửa đổi lại điểm này theo hướng chỉ xác định những trường hợp không có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không thì mới miễn giấy phép bay, nếu sử dụng cụm từ "ít khả năng gây hại" như dự thảo thì vẫn còn tồn tại yếu tố gây hại, do đó đề nghị thay cụm từ "ít khả năng gây hại" bằng cụm từ “không có khả năng gây hại”.