Các hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm vào người dùng internet và điện thoại di động đang ngày càng trở nên phổ biến, với nhiều chiêu trò hết sức tinh vi, gây ra thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. Trong bối cảnh này, Ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) sẽ có phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân cài miễn phí trên điện thoại thông minh.
Đại diện NCA cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến lộ, lọt dữ liệu tại Việt Nam. Thứ nhất là hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không bảo đảm an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập, lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính. Thứ hai là do người dùng chủ quan, bất cẩn, tự mình làm lộ, lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến. Sim rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake (là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi) đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến. Đáng lưu ý, các đối tượng lừa đảo sử dụng rất nhiều chiêu thức tinh vi như kêu gọi đầu tư qua sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán; đe dọa tiền gửi ngân hàng của người dùng đang bị điều tra, cần chuyển tiền để xác minh… Qua đó cho thấy, tính chất lừa đảo trực tuyến đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, tình hình trật tự an ninh xã hội.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo lực lượng trên toàn quốc triển khai đồng bộ phương tiện, nghiệp vụ, rà soát các đối tượng, mục tiêu nghi vấn, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh xử lý. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu triển khai rà soát, định danh xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế tình trạng sim rác, tài khoản ngân hàng rác, áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học với những giao dịch, chuyển khoản… nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch chuyển dòng tiền vi phạm pháp luật.
Theo NCA, các chuyên gia công nghệ sẽ nghiên cứu kỹ các hình thức lừa đảo cũng như các tổ hợp biến thể mà đối tượng xấu đã sử dụng để xác định các điểm chốt chặn quan trọng nhằm giúp người dân phòng, chống lừa đảo thông qua một số tiêu chí khi cài đặt như: Phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản. Chức năng kiểm tra số điện thoại của phần mềm này sẽ giúp người dùng ngăn chặn các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu cũng như cảnh báo các số quảng cáo làm phiền (số spam); Khi sử dụng, người dùng có thể chủ động chặn các số không muốn liên lạc (danh sách đen) hay tạo ngoại lệ cho các số thường xuyên trao đổi (danh sách trắng); Chức năng kiểm tra địa chỉ web (link) giúp phát hiện các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang giả mạo; Nhận khuyến cáo không nên truy cập các trang web này để phòng tránh bị mất tài khoản; Hỗ trợ người dùng quét các mã QR trước khi giao dịch, giúp phát hiện các mã QR có dấu hiệu lừa đảo. Với chức năng quét mã độc, người dùng sẽ được cảnh báo khi cài các ứng dụng giả mạo hoặc có chứa mã độc, từ đó giúp phòng ngừa các tình huống mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa cài app giả, chiếm quyền điều khiển điện thoại, sau đó tự động chuyển tiền… Ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với “danh sách đen” đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu. Dự kiến, phần mềm chống lừa đảo sẽ chính thức ra mắt vào tháng 7 tới.