Theo dõi trên

Cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai

20/04/2023, 19:26

BTO- Chiều 20/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, các thành viên ban chỉ đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, nhà khoa học… Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

ncp3wh2r10ujtfzrz4280831069097_e46e6d2f2991d2c1774cd40254723463.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh PCTT).

Trong năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền của cả nước, trong đó có 1.072 trận thiên tai. Hậu quả khiến 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại, 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển... Hậu quả đã có 7 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

z4256951696959_c1922ad7f85218820bbb1308a0ee17a7.jpg
Thiên tai gây tốc mái nhà dân tại Bình Thuận.

Riêng Bình Thuận, năm 2022 tình hình khí tượng thủy văn diễn biến ít phức tạp hơn năm trước. Tuy nhiên các hiện tượng dông sét, mưa lớn cục bộ, gió mạnh trên biển đã gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân sinh cũng như phát triển kinh tế ở địa phương. Theo thống kê, trong năm 2022 có 4 người chết do thiên tai, hơn 200 căn nhà bị ngập, sập, tốc mái, hư hỏng, gần 4.500 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại…Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh trên 33,48 tỷ đồng.

z3838415927884_0c2292e8e8165c9d536ca7a66ca1ba6d.jpg
Sạt lở bờ biển do sóng lớn tại TP. Phan Thiết.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã có ý kiến đánh giá toàn diện công tác phòng chống thiên tai năm 2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng chống thiên tai trong năm 2023. Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng chống thiên tai năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn.

img_3114.jpg
 Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai vẫn còn hình thức. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai vẫn còn hạn chế; việc thông tin cho người dân có lúc có nơi còn chưa kịp thời. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả còn chậm và kéo dài…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thiên tai chưa bao giờ cực đoan, khó đoán như hiện nay. Vì vậy các bộ ngành, địa phương cần tuyệt đối không chủ quan. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai. Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 4 giải pháp. Đó là thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Thứ hai là tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn. Đồng thời, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, cần tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo kịp thời hơn, bởi dự báo không đúng thì hệ lụy khôn cùng. Cùng với đó, cần tiếp tục làm tốt thông tin tuyên truyền để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Phó Thủ tướng mong muốn các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với phòng, chống thiên tai. Có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm
BTO- UBND tỉnh vừa có công văn hỏa tốc đến các sở, ngành, địa phương liên quan, yêu cầu chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là bão mạnh, lũ lớn có thể xảy ra liên tiếp, kéo dài trong thời gian tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai