Tham gia phiên thảo luận tại hội trường, ngày 26/10, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận cho rằng đây là Bộ Luật quan trọng tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và liên quan tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ kinh nghiệm của việc xây dựng Bộ Luật hình sự năm 2015, bám sát Nghị quyết số 144 của Quốc hội, bà Phúc đề nghị việc Sửa đổi, bổ sung lần này cần phải nâng cao trách nhiệm của Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan với tinh thần thận trọng, đảm bảo sự đồng bộ, tương thích giữa các Bộ Luật, đặt chất lượng lên hàng đầu; các sai sót cần phải được rà soát kỹ, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót. Đối với những quy định thiếu nhất quán, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng hoặc nội dung thiếu rõ ràng mâu thuẫn với luật chuyên ngành… thì cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của Bộ Luật với các đạo luật khác.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; theo bà Phúc, tại khoản 2, điều 2 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 về cơ bản đã kế thừa chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, trong đó có cả 3 loại tội danh nêu trên. Do đó, việc không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tiếp tục thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước… là không thỏa đáng, không phù hợp. Theo lời cử tri, đã là pháp luật thì phải nghiêm, nếu pháp luật “nhân đạo với người phạm tội” thì chắc chắn sẽ “không nhân đạo với nạn nhân của những người phạm tội ”. Thực tế, thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ở độ tuổi thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng; nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại… Theo đó, không đặt vấn đề sửa đổi bổ sung qui định này vì đây là chính sách mới đã được Quốc hội khóa 13 thông qua nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong bối cảnh tội phạm trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay.
Về xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự, để bảo đảm tính kịp thời và tính khả thi trong công tác phòng chống tội phạm, căn cứ vào tình hình thực tế trong thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, Chính phủ cần có kế hoạch đầu tư nguồn lực cho hệ thống Trung tâm giám định các chất ma túy để xử lý hình sự, hạn chế thực trạng về án tồn đọng, kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng theo qui định.
Về tội phạm liên quan đến môi trường, đây là vấn đề quan trọng, nhưng nội dung quy định chưa chặt, mức xử phạt chưa nghiêm. Theo đó, với quy định việc xả thải ra môi trường nguy hại vượt quáquy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải từ 10 lần trở lên là không phù hợp, bà Phúc đề nghị cần phải rà soát lại. Vì với mức xả thải có thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật thải ra môi trường từ 5.000 mét khối/1 ngày là quá nhiều nên chỉ 2 – 3 lần xả thải đã nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người rồi. Vì vậy, cần có qui định số lần xả thải và mức xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối đến dưới 10.000 mét khối/ngày. Ngoài ra, Luật cần qui định hồi tố hoặc cộng dồn số lần xả thải ra môi trường để các qui định của luật chặt chẽ, đảm bảo khi phát hiện, xử lý đúng tội, công bằng, có tính răn đe và mang tính khả thi cao.
Về thời gian trình Quốc hội thông qua Luật này, đây là bộ luật quan trọng, có tính chất “xương sống” trong hệ thống pháp luật, đòi hỏi tính chuẩn xác cao và đảm bảo chất lượng là vấn đề quan trọng, do vậy cần phải được rà soát, xem xét kỹ. Theo đó, như Tờ trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ luật cần được xem xét và thông qua tại 2 kỳ họp./.
Khắc Điều