Trên facebook và một số mạng xã hội khác của Meta, tích xanh là dấu hiệu nhận biết trang đã được xác thực chính chủ, giúp người dùng phân biệt được trang thật của tổ chức và trang mạo danh. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng lừa cấp tích xanh, hoặc kẻ tấn công chiếm những fanpage đã được xác thực, sau đó đổi tên và đăng nội dung vi phạm. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều trang, tài khoản giả mạo các đơn vị thuộc Bộ Công an đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, các trang này lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như: “Tiếp nhận hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “Thu hồi tiền lừa đảo”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Các đối tượng tạo lập và sử dụng các tài khoản nêu trên lợi dụng tâm lý của những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng, cam kết lấy lại được tiền. Thay vì đến cơ quan công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để tìm kiếm trang mạng hỗ trợ lấy lại tiền, các đối tượng thường không hẹn gặp mặt hoặc gọi điện video (facetime) để làm việc mà chỉ trao đổi qua tin nhắn facebook.
Nhiều người do nhầm lẫn, nghĩ các trang ghi thông tin Bộ Công an, lại được xác thực tích xanh, là trang uy tín nên đã liên hệ để nhờ hỗ trợ. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đăng nhập vào các đường link hoặc tải các ứng dụng ngân hàng online giả mạo nhằm đánh cắp thông tin tài khoản hoặc mã OTP để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt số tiền trong ngân hàng của nạn nhân. Nhiều nạn nhân đã bị lừa, nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn nêu trên.
Trước thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi này, cơ quan công an khuyến cáo người dân thận trọng, cảnh giác trước những trang facebook giả mạo. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo” trên không gian mạng. Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Nếu người dân nghi ngờ các trang giả mạo lực lượng công an, người dân cần liên hệ cơ quan công an gần nhất để kiểm tra, xác thực độ chính xác của các trang này. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân nên đến cơ quan công an trình báo hoặc qua ứng dụng VNeID để được giải quyết theo quy định của pháp luật.