Theo dõi trên

Cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội facebook và điện thoại bàn

20/07/2017, 08:11

Bài 2:3 nạn nhân và gần 2 tỷ đồng

BT- Chỉ trong tháng 6, qua điện thoại bàn, với cùng một thủ đoạn, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã bị lừa với số tiền lớn. Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới là những người thiếu hiểu biết về pháp luật, ít va chạm xã hội.

                
   Các đối tượng lợi dụng điện thoại bàn để lừa đảo.

Giả danh người của Bộ Công an

Theo trình báo của bà T, sống tại thành phố Phan Thiết, vào một buổi sáng khi bà đang ở nhà một mình dọn dẹp nhà cửa thì chuông điện thoại bàn reo. Nhấc máy, bà được người đàn ông ở đầu dây bên kia giới thiệu là người của Bộ Công an đang điều tra gia đình bà. Bà T chột dạ bởi từ trước tới giờ nhà mình đâu có làm gì phạm pháp mà bị Bộ Công an điều tra. Còn đang bàng hoàng, đầu dây bên kia hỏi luôn: Nhà bà ở Phan Thiết và có tài khoản trong ngân hàng phải không? Sau khi được bà T xác nhận. Người của “Bộ Công an” tiếp tục: Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với thanh tra ngân hàng để điều tra việc rửa tiền trong một vụ án kinh tế. Tài khoản của bà mới phát sinh số dư hàng tỷ đồng. Bà T chưa hết ngạc nhiên thì người của “Bộ Công an” đe dọa, sẽ tổ chức bắt ngay nếu bà không phối hợp chặt chẽ và khai thật, đồng thời nếu không sớm “phá án” rất có thể các đối tượng rửa tiền sẽ thủ tiêu bà và người nhà để bịt đầu mối… Sau một hồi bị “xét hỏi” cùng dọa nạt, bà T đã thành thật khai hết như: số tài khoản, ở ngân hàng nào, số tiền bao nhiêu... Sau khi đã nắm được các thông tin cần thiết, đối tượng này yêu cầu bà T phải chuyển ngay lập tức số tiền gốc hàng trăm triệu đồng trong tài khoản của bà vào tài khoản của “Bộ Công an”. Số tiền phát sinh hàng tỷ đồng còn lại sẽ được giữ lại để điều tra. Do thiếu hiểu biết về pháp luật và cũng ít có sự va chạm xã hội nên bà T đã dễ dàng mắc bẫy. Ngay trong buổi sáng đó, toàn bộ số tiền trong tài khoản đã được bà chuyển vào số tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp.

Theo cơ quan chức năng, chỉ trong tháng 6, trên địa bàn Phan Thiết có 3 nạn nhân bị lừa với thủ đoạn tương tự với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng. Mặt khác theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian vừa qua, còn rất nhiều người dân, thậm chí là cả một số cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn cũng bị đe dọa, lừa đảo như thế. Chị Tuyết, làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước tại Phan Thiết cho biết, nhiều lần cơ quan chị nhận được điện thoại của người lạ tự xưng là người của Cục Thuế hoặc Công ty Điện lực yêu cầu phải nộp gấp tiền thuế hay tiền điện thoại hàng tháng vào tài khoản của các cơ quan này (tài khoản giả do các đối tượng lừa đảo cung cấp), nếu không sẽ bị cắt điện thoại hoặc phạt vì tội chậm nộp thuế.  

Để tránh “sập bẫy”

Thượng tá Ung Chiêu Thành - Phó phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là dùng điện thoại từ nước ngoài hoặc sim rác gọi vào các máy bàn trong giờ hành chính. Nếu gặp người có hiểu biết về pháp luật hoặc “cứng” thì chúng sẽ rút lui. Nếu gặp người ít va chạm xã hội, thiếu hiểu biết về pháp luật chúng sẽ tìm cách khai thác thông tin và giở các thủ đoạn như trên để lừa. Thông thường vào thời gian này, những người phụ nữ ở nhà và nghe điện thoại bàn là những người ít có sự tiếp xúc xã hội nên rất dễ bị lừa. Trên đường nạn nhân ra ngân hàng chuyển tiền chúng sẽ liên tục gọi vào số di động để gây áp lực, phân tán sự cảnh giác của nạn nhân, đồng thời kiểm soát nạn nhân không trình báo công an. Thậm chí ngay cả những người đi rút tiền cũng chỉ là nạn nhân, nên rất khó cho việc điều tra tìm thủ phạm. Theo đó, số người này khai sau khi được làm quen, bọn chúng giới thiệu là người đi làm ăn xa nhưng quên mang theo chứng minh thư nên xin nhờ tài khoản để công ty chuyển số tiền lớn mua hàng. Sau khi rút tiền xong sẽ có hậu tạ.

Để tránh việc rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, thượng tá Thành khuyến cáo, hiện nay, trong tất cả các đơn vị của lực lượng công an không có phương thức làm việc qua điện thoại với nhân dân (trừ những trường hợp đã biết trước hoặc được thông báo trước). Do đó, nếu gặp trường hợp này người dân nên bình tĩnh mạnh dạn cúp máy, thông báo cho người thân hay báo cho công an cơ sở hoặc Cảnh sát 113 để được tư vấn, giúp đỡ. Nếu bị đe dọa cần báo ngay cho lực lượng công an gần nhất, dễ liên lạc nhất để được bảo vệ.

    
        “Hiện nay, trong tất cả các đơn vị của lực lượng công an không có phương   thức làm việc qua điện thoại với nhân dân (trừ những trường hợp đã biết   trước hoặc được thông báo trước). Do đó, nếu gặp trường hợp này người   dân nên bình tĩnh mạnh dạn cúp máy, thông báo cho người thân hay báo cho   công an cơ sở hoặc Cảnh sát 113 để được tư vấn, giúp đỡ”.   

Đình NhưỢng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội facebook và điện thoại bàn