Trước đó, hôm 16/3, Chính phủ Pháp đã kích hoạt một quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện. Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, gây ra một trong những thách thức lớn nhất với Tổng thống Emmanuel Macron sau chưa đầy 1 năm đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Các nghị sĩ đối lập cũng đã nộp 2 bản kiến nghị đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn tin từ Hạ viện nước này cho biết, hai bản kiến nghị trên sẽ được đưa ra thảo luận tại cơ quan lập pháp này trong chiều 20/3.
Cải cách hưu trí đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, yêu cầu người lao động kéo dài thời gian làm việc để nhận được đầy đủ lương hưu. Các nghiệp đoàn đại diện người lao động Pháp đã kêu gọi tổ chức biểu tình trong cuối tuần này, ngay trước khi tổ chức làn sóng đình công toàn quốc nhằm phản đối dự luật trong ngày 23/3. Trong ngày 18/3, một cuộc tuần hành trong hòa bình đã diễn ra ở thị trấn Compiegne, phía Bắc thủ đô Paris và theo kế hoạch, một cuộc diễu hành khác cũng diễn ra ở thủ Paris vào khoảng 18h, giờ địa phương (0h ngày 19/3, giờ Việt Nam). Từ tối 17/3, hàng nghìn người đã tham gia tuần hành tại Paris tập trung ở phía đối diện tòa nhà Quốc hội để bày tỏ phản đối vì chính phủ vẫn áp dụng cải cách dù các cuộc biểu tình đã kéo dài suốt 2 tháng. Cảnh sát đã phải sử dụng súng hơi cay để giải tán đám đông ném chai lọ và pháo sáng về phía lực lượng này. Khoảng 60 người đã bị bắt giữ sau vụ việc. Ở thành phố Lyon, miền Đông Nam, người biểu tình đã tìm cách xông vào tòa thị chính và châm lửa phóng hỏa. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 36 người.
Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu. Tổng thống Macron đã đưa vấn đề cải cách hưu trí vào trung tâm chiến dịch tái tranh cử năm 2022. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của vị tổng thống 45 tuổi đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội hồi tháng 6/2022 sau cuộc bầu cử. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã viện tới điều khoản 49.3 trong Hiến pháp để thúc đẩy dự luật do lo ngại không đủ phiếu ủng hộ tại Hạ viện.
Chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne được cho là sẽ vượt qua mọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vốn cần tới sự ủng hộ của khoảng 50% nhóm nghị sĩ Cộng hòa đối lập ủng hộ mà đây được cho là kịch bản khó xảy ra.