Theo dõi trên

Cao su chết ở Đông Giang: Lại chuyện trồng ngoài quy hoạch

20/06/2016, 09:00

BT- UBND xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc vẫn đang tiến hành công tác kiểm tra, xác định số hộ, diện tích cao su bị chết ở địa phương. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này đang được các ngành chức năng tiến hành. Nhưng có một điều ai cũng biết là số cao su bị chết đều nằm ngoài khu vực quy hoạch trồng cây cao su của xã?

                
Hiện tượng cao su chết ở Đông Giang nằm    trong khu vực người dân trồng tự phát.

Cao su chết do vướng đá?

Tình trạng cây cao su bỗng dưng chết  chủ yếu xảy ra tại thôn 1, xã Đông Giang. Hộ ít thì vài cây, hộ nhiều lên đến vài chục cây. Riêng hộ ông K’ Văn Thiệu bị thiệt hại nặng nhất với gần 1 ha. Trong số cao su chết của hộ ông Thiệu có những cây đã trồng gần 10 năm và đang cho thu hoạch mủ tốt. Các hộ dân có cao su bị chết cho biết: Trước khi chết, cây cao su có biểu hiện lá bị vàng rồi rụng hết dẫn đến cây chết khô. Đây cũng là biểu hiện của tình trạng cây cao su chết hàng loạt xảy ra ở huyện Tánh Linh cách đây vài năm. Trong khi cơ quan chuyên môn đang tìm nguyên nhân thì người dân cũng đặt ra nhiều giả thuyết. Có người cho rằng cao su chết là do bệnh nấm hồng, có người nói do nắng nóng dẫn đến cây thiếu nước. Những nguyên nhân mà người dân đưa ra chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận. Bởi nếu chết do bệnh hay nắng nóng thì cây phải chết hàng loạt. Nhưng thực tế ở Đông Giang thì khác. Giữa một vạt cao su đang phát triển xanh tốt lại xuất hiện vài cây cao su chết khô héo.

Những người trồng cao su lâu năm ở Đông Giang đã tìm ra một nguyên nhân mà nhiều người cho là hợp lý, đó là do rễ cao su đã gặp phải đá. Khu vực cao su chết chủ yếu ở vùng núi cao, nơi có nhiều đá mà ít đất. Khi mới trồng được một vài năm, rễ cao su chưa chạm phải đá nên phát triển xanh tốt. Khi ăn sâu xuống vùng có đá thì rễ không phát triển và cũng không hút được nước, chất dinh dưỡng. Gặp những tháng mùa khô, không hút được nước dẫn đến tình trạng cây cao su chết khô.

 Sản xuất chạy theo giá

Ông Hoàng Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết: Khu vực cây cao su chết xảy ra ở vùng đồi núi có nhiều đá. Trước đây, khi mủ cao su còn có giá, người dân đổ xô trồng cây cao su ở nhiều nơi trong xã mặc dù Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã cảnh báo người dân không được trồng ở khu vực đồi núi. Vì đất không tốt, độ dày đất không cao và có nhiều đá. Xã cũng không cấp giống cho những người dân trồng cao su ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, người dân vẫn đi mua giống nơi khác về trồng. Có người vào tận Suối Tre, tỉnh Đồng Nai để mua giống về trồng.

Việc cây cao su chết ở xã Đông Giang chủ yếu xảy ra ở diện tích trồng tự phát, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về kiểu làm ăn manh mún, chạy theo lợi nhuận trước mắt của không ít người dân hiện nay. Những năm 1999 – 2000, người dân các huyện Đức Linh, Tánh Linh cũng đổ xô phá cây tiêu, cây điều để trồng cao su. Thời điểm đó, cao su được coi là “vàng trắng”, là cây “hái ra tiền”. Chính quyền khi ấy cũng cảnh báo người dân nên trồng cao su theo quy hoạch. Tuy nhiên, diện tích cao su những năm đó vẫn tăng đột biến. Và 2 năm trở lại đây, giá cao su rớt thảm hại, tiền bán mủ không đủ tiền thuê nhân công cạo mủ. Người dân lại quay sang chặt cao su trồng cây khác.

Chuyện tương tự cũng đang xảy ra với cây thanh long. Cách đây 5 năm, cây thanh long được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo”. Trồng khoảng vài trăm trụ thanh long, một năm thu vài trăm triệu đồng. Những năm đó, người dân đổ xô lấp ruộng lúa, san đồi để trồng thanh long bất chấp chính quyền xử phạt. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có khoảng 15.000 ha cây thanh long. Nhưng thực tế đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 26.000ha. Trồng vượt quy hoạch dẫn đến tình trạng “tranh mua, giành bán”, ùn ùn mở vựa thanh long. Hệ lụy của việc làm kinh tế theo phong trào hiện nay đã mang lại “trái đắng”. Không chỉ người trồng mà ngay các công ty xuất khẩu thanh long cũng bị thương lái Trung Quốc thao túng. Sản xuất ra trái thanh long, nhưng giá lại do thương lái Trung Quốc định đoạt. Người trồng thanh long đang đối diện cuộc chơi may rủi. Hên thì bán thanh long được giá cao còn xui gặp giá thấp thì mất mùa, lỗ công.

Với thực tế hiện nay, người dân vẫn làm nông nghiệp theo kiểu chạy theo lợi nhuận trước mắt. Thấy cây nào giá cao, con nào mang lại lợi nhuận lớn là đổ xô làm theo mà không tính đến phương án sản xuất lâu dài đang là một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Bình Thuận.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Thăm, tặng quà các khối diễu binh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
BTO-Thừa ủy quyền của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đoàn công tác của tỉnh do Thượng tá Nguyễn Bảo Anh – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã đến  thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao su chết ở Đông Giang: Lại chuyện trồng ngoài quy hoạch