Du khách tiếc nuối
Hơn 1 tuần nay, nhiều du khách từ TP. HCM hoặc các tỉnh lân cận đổ về TP. Phan Thiết để du lịch rất đông. Trong lịch trình đến với thành phố biển, rất nhiều du khách chọn bờ kè sông Cà Ty đường Phạm Văn Đồng như là một điểm đến không thể thiếu để có cho mình những tấm ảnh check-in đầy thú vị bên những chiếc thuyền của ngư dân miền biển. Nhưng buồn thay, thay vì có được những tấm ảnh ưng ý với những chiếc thuyền bên dòng sông mang tính biểu tượng của thành phố biển, thì ai nấy cũng đều cảm thán “rác nhiều quá”.
Anh Lê Anh Quân (ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết, địa điểm này được truyền tai khi đến Phan Thiết là phải ra khu vực bờ kè sông Cà Ty để chụp hình, nhưng không hiểu sao đến đây thì thấy dòng sông bị ngập rác. Đứng trên lan can chụp hình thì khung ảnh không được đẹp, do phía sau lưng sẽ dính cảnh các loại rác. Chuyến đi này tiếc vì không có ảnh đẹp tại khu ghe tàu của ngư dân xứ biển. Anh Quân hay những du khách khác cảm thán, hay thắc mắc câu hỏi vì sao “rác nhiều quá” chắc hẳn là những người lần đầu tiên đặt chân đến dòng sông này. Bởi, tình trạng rác tồn đọng, gây mất cảnh quan đã tồn tại trong nhiều năm qua và báo chí, mạng xã hội, người dân địa phương, hay chi ít những người từng vài lần đặt chân đến đây đã có những bài viết, hình ảnh truyền tải, hay truyền miệng cho nhau nghe, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chức năng và người dân sống lâu năm tại khu vực này, rác nơi đây tập kết nhiều là do từ các tàu thuyền neo đậu tại đây thải xuống; đồng thời khi có tàu thuyền lớn qua lại gây sóng làm rác dạt trôi nổi trên sông. Đặc biệt là vào mùa nước nam (khoảng từ đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 9) khi con nước lên thì cuốn theo rác từ biển vào tập trung rải rác dọc dòng sông. Thêm nữa, sông Cà Ty có đặc thù chịu ảnh hưởng bởi thủy triều lên xuống, nước sông chảy thường xuyên. Vì vậy, sau những cơn mưa, rác, cây cối gãy đỗ từ thượng nguồn, từ đó cuốn theo về hạ nguồn nội thành.
Địa phương loay hoay xử lý
Chiều ngày 23/6, 2 địa phương hạ nguồn sông Cà Ty chảy qua là Bình Hưng và Hưng Long đã huy động toàn bộ lực lượng gồm nhân lực, xe cẩu, phương tiện vận chuyển để thu dọn rác. Tuy nhiên, 2 địa phương cũng bất lực; bởi việc dọn dẹp là không hề đơn giản. Ngoài các loại rác dễ thu gom như: bao bì ni lon, thùng xốp, chai lọ thì còn tồn tại rác ở dạng cứng như xác tàu, ghe, thúng, gỗ, và các vật dụng gia đình có diện tích lớn do người dân thải xuống. Ngay cả khi dùng máy xúc thì việc trục vớt các xác ghe là không thể, bởi những xác ghe này để lâu đã mục dễ vỡ. Phường Hưng Long buộc phải đổi phương án là thu dọn rác và sẽ tìm phương án khác để trục vớt xác ghe.
Bà Trần Thị Ngọc Hải – Quyền Chủ tịch UBND phường Hưng Long thừa nhận, địa phương bất lực trước tình trạng này và giải pháp chỉ có thể là thường xuyên thu dọn. Địa phương đang nghiên cứu để có những đề xuất lên cấp trên để có phương án xử lý. Bà Hải cũng chia sẻ thêm, có ý kiến là phải làm hệ thống lưới chắn rác ở phía đầu nguồn để hạn chế lưu lượng rác; tuy nhiên đây là phương án sinh ra bất cập vì gây cản trở việc lưu thông của ghe, tàu. Trong khi đó tại khu vực ra quân của phường Bình Hưng, lực lượng thu dọn loay hoay không biết xử lý như thế nào đối với xác ghe, thuyền, thúng và các loại rác có kích thước lớn. Chia sẻ tại hiện trường, bà Nguyễn Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng nhận định đã đến lúc cần sự chung tay mới giữ được dòng sông Cà Ty được sạch đẹp. Địa phương rất mong ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân, các cơ sở sản xuất thu mua hải sản, tàu thuyền không ném rác hoặc thả thùng xốp xuống dòng sông, “nếu không thì tình trạng dòng sông sẽ càng xấu hơn”, bà Dung nói.
Tình trạng hạ nguồn sông Cà Ty ô nhiễm, oằn mình gánh hàng loạt loại rác đến “nghẹt thở” làm nhiều người không khỏi xót xa. Dù từ lâu ngành chức năng cũng đã đưa ra những nguyên nhân, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp, nhưng đến nay câu chuyện rác trên sông Cà Ty vẫn là vấn đề “đến hẹn lại lên”. Đã đến lúc dòng Cà Ty cần được quan tâm đặc biệt; trước hết là “cấp cứu” để dòng sông luôn sạch, và xa hơn là không để nơi đây trở thành dòng sông “chết” như nhiều địa phương khác trên cả nước.