Ra biển
Gió thôi riết rống thổi ngoài khúc cua của dòng sông Dinh, đoạn đổ ra cửa La Gi. Trên sông lúc này, nắng đã nhạt, thoi thóp, màu nước sậm đi và cũng ít sóng. Đây là lúc Nguyễn Tư Cương, một ngư dân ngoài 30 tuổi, nhà ở phường Bình Tân, thị xã La Gi, biết phải chuẩn bị ra biển, bởi chỉ một giờ nữa, hàng trăm chiếc thuyền đánh cá đổ dồn ra cửa, lúc ấy càng khó ra, cho dù là đi thuyền thúng. Có chút vội vã, Tư Cương kiểm tra lại đồ đoàn đi biển của mình. Đó là chiếc cần câu bằng tre, mà tay cầm đã đen bóng và nhẵn thín vì dùng lâu ngày và có hơi đặc biệt so với cần câu bình thường. Đầu cần, Tư Cương gắn chiếc khoen đồng đường kính bằng đốt ngón tay. Đi cùng với cần là ống gỗ mứt đường kính 20 cm, rổng ruột, xỏ cả bàn tay qua được. Toàn bộ dây cước dài khoảng 400 m quấn trên ống gỗ, cũng như được xỏ vào cái khoen đồng trước khi buộc lưỡi câu, và cục chì ở đầu mút, nhờ vậy mà khi quăng câu, lưỡi câu bay xa cả trăm mét. Tư Cương cẩn thận kiểm tra một thứ nữa mà giới câu biển tạo ra để ngừa cá lớn cắn đứt dây câu, đó là dây thẹo, một đoạn dây dài hơn 2 m, làm bằng dây đờn, nối giữa đầu mút dây cước với cục chì. Trên đoạn dây thẹo này, cứ 20 cm, Tư Cương buộc 1 chiếc lưỡi câu để có thể câu một lúc được nhiều con cá thay vì chỉ một. Sau cùng, Tư Cương lấy trong ngăn đá tủ lạnh ra chiếc bao đen đựng 30 chục con cá bạc má vợ anh mua từ sáng sớm, đến giờ hãy còn tươi ròng…; không quên xem lại máy định vị, chiếc bình ắc quy, những dụng cụ cần cho một chuyến biển đêm. Trong lòng thuyền thúng đang neo ở mé sông, Hằng - vợ Tư Cương cũng đã bỏ vô đó nãi chuối già hương, chai nước uống, vài chiếc bánh bao, chiếc đèn pin loại lớn, bộ áo đi mưa liền quần… từ lúc chiều. Mọi thứ sẵn sàng, Tư Cương mở dây cột thúng. Vài phút sau, chiếc thúng có gắn máy đẩy đuôi tôm, đưa Tư Cương ra biển.
Chuẩn bị thẹo và lưỡi câu cá thu theo kiểu truyền thống. |
Đập lộng
Gần như một phần đời của Tư Cương gắn với câu biển. Người dạy Tư Cương câu là cha anh, ông Năm Hoàng, một ngư dân chuyên câu khơi. Những chuyến câu của ông Năm Hoàng kéo dài hai tháng trên biển, muốn quay vào bờ phải chạy hai ngày mới tới. Khi Tư Cương thôi học, anh được cha dạy cho nghề câu cá mập và câu thu. Anh nhanh thành thạo cách câu cá thu bằng vàng câu dài 2.000 m, với cả trăm lưỡi, nhờ vậy đã có lúc khấm khá. Vài năm trước đây, anh còn cùng mấy người bạn ở phường Phước Lộc, chạy thuyền giáp biển Indonesia, hành nghề. Vài chiếc thuyền bị bắt, người bị nhốt, từ đó Tư Cương quyết định về biển nước mình, hành nghề. Tư Cương ra Trường Sa, ra đảo Phú Quý, gần đây Tư Cương quyết định câu trên vùng biển giữa La Gi và Vũng Tàu, nơi cha anh từng câu. Bởi vậy, vừa ra khỏi cửa La Gi, Tư Cương liền chỉnh lái để thuyền thúng chạy theo hướng hải bàn 170 độ, nơi cách đó 12 hải lý có một bãi cạn mà ngư dân quen gọi là đập lộng. Tư Cương từng nghe ông Năm Hoàng kể, con đập chạy dài mấy cây số dưới biển, bề ngang rất rộng, nhiều bãi đá ngầm. Thời Ngô Đình Diệm, khi đường bộ ách tắc, người ta chở gạo và nhiều thứ khác đi trên biển, và có không ít chuyến tàu va vào đập, chìm. Vì vậy, với người La Gi, khi nói tới đập thường nghĩ ngay đến cái đập mà bây giờ Tư Cương đang hướng đến. Có điều vài năm trước đây, ngư dân ít đánh ở đập vì sản lượng không nhiều. Năm nay, khi mùa câu thu bắt đầu từ đầu tháng 1, vài người đi câu rỉ tai nhau là ở đập, cá thu xuất hiện trở lại, nên không hẹn những người đi câu như Tư Cương liền đổ về đập.
Thả câu
Gần giữa đêm, quanh đập lộng, mỗi lúc một nhiều thuyền thúng từ La Gi, từ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đổ xô tới. Mỗi chiếc đều thắp sáng bằng bình ắc quy, vì vậy tạo nên vô số vòm sáng trên mặt biển, cũng như không hề đứng yên. Tư Cương xem qua máy định vị, biết mình đang ở đầu rìa phía Bắc đập, độ sâu nước khoảng 10 sải. Bây giờ lúc chuẩn bị thả câu. Nhưng trước hết phải lo mồi câu. Cái túi nhựa đen được anh mở ra, lấy từng con cá bạc má “rả đông”, mềm ngoặt, rồi móc lưỡi câu vào miệng từng con. Kinh nghiệm cho Tư Cương biết, phải móc lưỡi thật khéo. Lưỡi câu phải nằm trên chóp đầu con cá bởi cá thu ăn mồi theo kiểu từ dưới đớp lên, gần như nuốt con cá mồi vào bụng. Thế nhưng, nó cũng sẽ từ chối, nếu thấy con mồi bất động. Nhiều người câu phải tìm đến các cội chà trên biển, dùng mồi kim tuyến câu cá nục, cá bạc má… rồi “rọng” sống trong thùng chứa đem đến điểm câu cá thu, làm mồi câu. Những con cá bạc má còn sống, khi bị lưỡi câu mắc vào miệng sẽ liên tục vùng vẫy trong nước, càng khiến cá thu lao tới. Trong trường hợp này, cá mồi của Tư Cương là cá chết, nên anh cần xử lý nó. Ông Năm Hoàng đã truyền cho anh cái cách làm con cá sống dậy và lát nữa đây Tư Cương sẽ làm, nếu muốn có cá mang về.
Tư Cương thả trôi thuyền thúng theo chiều dọc đập. Anh như tách khỏi những chiếc thuyền thúng khác, mỗi lúc mỗi xa, cho đến khi nhìn lại, tất cả chỉ còn là những điểm sáng nhỏ nhoi trên biển. Ước chừng trôi một khoảng rất dài, Tư Cương bắt đầu thả hết dây câu xuống biển, cũng như lấy sợi dây nịt, xỏ vô giữa ống dây câu, giữ chặt nó ở thắt lưng. Bây giờ là lúc anh tăng ga để máy đuôi tôm nổ lớn hơn một chút, chạy ngược nước, đồng thời kéo cả dây câu chạy theo. Những con cá bạc má mồi như vừa sống dậy, bơi theo thuyền thúng. Nhiều lần thả trôi và nhiều lần chạy ngược nước như vậy, cho đến lúc dây câu trên tay Tư Cương nặng đi. Thuyền thúng tăng tốc nhanh hơn. Một tay giữ ga cho máy nổ giòn, một tay Tư Cương nắm cần câu liên tục giật thả, tạo sự căng cứng dây câu, cũng như làm cho con cá mắc câu nhanh mất sức. Cuộc đấu tay đôi giữa người và cá diễn ra hơn nửa giờ, cho đến khi những con cá thấm mệt. Lúc này, thuyền thúng sẽ chạy chậm lại, Tư Cương đứng dạng chân, bắt đầu thu dây câu bằng cách quấn dây vào cái ống gỗ, cũng như để sẵn chiếc thấu có móc gần đó, sẵn sàng móc từng con cá thu kéo lên thuyền thúng, phòng khi chúng giẫy giụa rồi sẩy đi. Giờ đây, người đi câu cá thu đã hoàn thành một nửa phần việc. Phần còn lại là bảo đảm an toàn trên đường về, cho kịp buổi chợ sáng, bởi cá thu ngon, nhưng rất khó bảo quản nếu không giữ lạnh kịp thời.
Ghi chép : Hoàng Hạc