Theo các chuyên gia của Hội Răng hàm mặt Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã có những chương trình phòng bệnh như chương trình nha khoa học đường, nha khoa cộng đồng nhưng 90% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng và sâu răng ở lứa tuổi học đường vẫn chiếm tỉ lệ khá cao (trên 60%). Hơn nữa, cuộc điều tra mới được Viện Đào tạo Răng hàm mặt thực hiện tại 5 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Bình Thuận và Tiền Giang cho thấy: Khoảng 4,7% trẻ sâu răng được trám lỗ sâu, chữa răng, 0,2% trẻ sâu răng vĩnh viễn được trám răng; 65% số phụ huynh của trẻ cho biết đã từng đưa con đi khám, chữa răng nhưng chỉ trong trường hợp răng của trẻ bị lung lay hoặc răng đã hỏng không thể phục hồi được.
Nguyên nhân là do vấn đề vệ sinh răng miệng chưa thật sự tốt, cùng đó là tình trạng thường xuyên ăn vặt và sử dụng những đồ uống chứa đường, thiếu sự quan tâm, hướng dẫn về vệ sinh răng miệng của cha mẹ đối với trẻ, học sinh… Nếu các gia đình không thay đổi thói quen, nhận thức trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ thì sức khỏe răng miệng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lứa tuổi trẻ em, học sinh cần phòng bệnh răng miệng sớm để giữ gìn sức khỏe. Vì vậy, vai trò của phụ huynh, nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc răng miệng, hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, cũng như nâng cao kiến thức và duy trì thói quen, hành vi chăm sóc răng miệng đúng cho học sinh là quan trọng. Trong đó, phụ huynh và nhà trường tổ chức khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sâu răng sớm, hạ thấp tỉ lệ sâu răng. Các chuyên gia răng hàm mặt khuyên học sinh, trẻ em hạn chế ăn thức ăn ngọt như bánh kẹo, nước đường; nước có gas. Nên ăn những thức ăn: trái cây, rau quả, bánh mì, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt, cá, các loại đậu... đánh răng sau khi ăn hoặc uống, thường xuyên sử dụng nước, kem đánh răng có bổ sung thêm fluoride…
Trang Minh