Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cùng các ĐBQH tỉnh, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.Trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án nhân dân, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra… Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành tòa án.
Tham gia chất vấn tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cho rằng, xu thế hiện nay hầu hết các vấn đề phát sinh tranh chấp trong xã hội đều đưa ra toà án xét xử. Với biên chế như hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải pháp nào nâng cao chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, hiện nay các thẩm phán có nhiều áp lực trong quá trình thực thi công vụ, kể cả mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, trong khi đó chế độ đãi ngộ, bảo vệ chưa tương xứng. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao có giải pháp nào cho vấn đề này thời gian tới?
Trả lời chất vấn đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít đã tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thời gian qua vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử…
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.