Theo dõi trên

Chỉ dẫn địa lý: Lối mở cho người sản xuất thanh long

12/10/2022, 07:19

Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất nước, khoảng 30.000 ha; trong đó trên 9.000 ha thanh long tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Trái thanh long địa phương được cơ quan chức năng cấp chỉ dẫn địa lý.

“Thẻ thông hành” sản phẩm lợi thế

Theo bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN), thanh long Bình Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) từ năm 2006. Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Nhật vào cuối năm qua. Đây là CDĐL thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật, sau vải thiều Lục Ngạn. Việc được cấp đăng ký CDĐL có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật, mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, tiêu thụ thanh long ở nhiều thị trường khác nhau.

img_5406.jpg
 Đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, mở rộng tiêu thụ trong, ngoài nước

Trong những năm gần đây, thông qua hỗ trợ từ Sở KH & CN, Sở Nông nghiệp & PTNT, nhiều hợp tác xã (thanh long Thuận Tiến, thanh long sạch Hòa Lệ, dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30, thanh long GlobalGAP Tân Thuận, sản xuất kinh doanh, dịch vụ thanh long Hồng Sơn…) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể (logo cơ sở). Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã cấp 104 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long VietGAP. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 25 giấy chứng nhận còn hiệu lực. Một số cơ sở có giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL đã hết hạn hoặc quá thời hạn đăng ký gia hạn nhưng không có nhu cầu đăng ký gia hạn sử dụng. Lãnh đạo Sở KH & CN cho rằng, các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long cần tạo dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ CDĐL. Việc xây dựng, phát triển CDĐL trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

img_3792.jpg
Thanh long đỏ xuất khẩu sang New Zealand, gia tăng giá trị.

Cần phát huy tác dụng

Tại hội nghị phát triển CDĐL thanh long Bình Thuận mới đây, lãnh đạo Sở KH & CN hướng dẫn phổ biến các quy định, quy chế quản lý, sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long; giải pháp phát triển CDĐL thanh long Bình Thuận. Bà Mai Thanh Nga lưu ý các HTX, cơ sở có điều kiện đăng ký CDĐL thanh long không chỉ thuận tiện tiêu thụ ở trong mà còn ngoài nước. Ở nước ngoài, thanh long Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức CDĐL tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Thanh long mang nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit & hình” được 14 nước, vùng lãnh thổ bảo hộ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài loan, Hoa Kỳ, Singapore. UBND tỉnh đã ủy quyền cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận trao quyền sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long đủ điều kiện.

“Để đảm bảo cho CDĐL thanh long Bình Thuận phát triển trong thời gian tới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị ngành nghề truyền thống địa phương, Sở Nông nghiệp & PTNT đưa ra một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục gia hạn hoặc tái cấp giấy chứng nhận sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cho trái thanh long; tăng cường hỗ trợ các đơn vị kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long; việc cấp phát, sử dụng tem CDĐL nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín cho thương hiệu “Thanh long Bình Thuận” cần được chú trọng thực hiện”, bà Nguyễn Thị Phương Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT) nêu đề xuất thông qua hội nghị trên.

“Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh”.

T. KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn khảo sát làm việc với Hiệp hội thanh long Bình Thuận
BTO - Sáng 29/4, ông Nguyễn Hữu Thông- Trưởng đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có cuộc họp với Hiệp hội thanh long tỉnh về việc trồng và tiêu thụ thanh long trên địa bàn. Cùng dự họp có các thành viên đoàn khảo sát là đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ dẫn địa lý: Lối mở cho người sản xuất thanh long