Theo dõi trên

Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Hướng đi phù hợp với định hướng phát triển xã hội

15/04/2025, 05:11

Trong dòng chảy phát triển của Chính phủ số, xã hội số, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách an sinh xã hội (ASXH) không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và tiện ích cho người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế. Đây không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật hay quản lý, mà là một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, khẳng định tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Từ năm 2022, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng như Chỉ thị số 21, Quyết định số 06 và mới đây nhất là Công văn số 742 ngày 26/1/2025 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu các địa phương tăng tốc triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Hướng đi này không chỉ phù hợp với định hướng phát triển xã hội số mà còn giải quyết các tồn tại lâu nay trong công tác chi trả: Thủ công, rườm rà, thiếu minh bạch và dễ phát sinh sai sót. Tại Bình Thuận, việc triển khai Kế hoạch số 4102 ngày 24/10/2023 đã đặt ra mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2025, 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã từ ngân sách nhà nước được chi trả qua tài khoản. Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt...

7a0358240744b41aed55.jpg
Đẩy mạnh triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các trường hợp chính sách xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhờ đó, năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai 10/10 huyện thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 21.150/54.649 đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 38,7% trên tổng đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí đã chi trả qua tài khoản hơn 183 tỷ đồng. Cụ thể, người có công cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng là 4.283/9.035 người, đạt tỷ lệ 47,4% với kinh phí đã chi trả hơn 103 tỷ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc nuôi dưỡng là 16.867/45.614 người, đạt tỷ lệ 37% với kinh phí đã chi trả hơn 80 tỷ đồng.

Đối với những đối tượng chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện theo quy trình quy định tại Quyết định số 37 của UBND tỉnh Ban hành quy định tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tỷ lệ chi trả thành công hàng tháng tại một số huyện, thị xã đạt khá cao (95% trở lên) đảm bảo theo thỏa thuận trong hợp đồng ký kết. Dù kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn, nhưng so với kỳ vọng và tiềm năng, vẫn còn một khoảng cách đáng kể, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cả hệ thống chính trị.

Hành động đồng bộ, quyết liệt

Thực tế cho thấy, việc triển khai một chính sách mới với nhóm đối tượng đặc thù – chủ yếu là người già, người khuyết tật, hộ nghèo, người có công… chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhiều người không có điện thoại thông minh, chưa được cấp căn cước công dân, không quen hoặc không tin tưởng vào giao dịch điện tử. Một bộ phận e ngại rủi ro khi mở tài khoản hoặc lo lắng bị mất quyền kiểm soát khi ủy quyền cho người thân. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cấp xã còn mỏng, mỗi xã chỉ có một công chức phụ trách nhiều mảng công việc, khó triển khai sâu sát. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa được tổ chức đồng đều, thiếu hình thức tiếp cận gần gũi, thiết thực với từng nhóm đối tượng, khiến tâm lý “nhận tiền mặt cho chắc” vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở nhóm bảo trợ xã hội.

Trước thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ đạo yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để thúc đẩy tiến độ chi trả không dùng tiền mặt. Các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách miễn phí, ưu đãi khi người dân mở và sử dụng tài khoản nhận trợ cấp. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí nhân lực, theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi thói quen chưa bao giờ dễ dàng, tuy nhiên khi lợi ích là thật, minh bạch, tiện lợi, nhanh chóng thì sự thay đổi là tất yếu. Và trong hành trình ấy, mỗi cán bộ, mỗi cấp chính quyền cần trở thành người đồng hành, dẫn dắt và truyền cảm hứng để người dân cùng bước vào hành trình chuyển đổi số – nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tín dụng chính sách xã hội trở thành trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
BTO-Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nổi bật
Thành tựu Bình Thuận sau 50 năm ngày giải phóng
Bình Thuận, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Sau ngày giải phóng, Bình Thuận đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đầy ấn tượng. Từ một vùng đất có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản, Bình Thuận đã chuyển mình thành một tỉnh có nền kinh tế trọng điểm, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước... Đổi thay ấy là công sức của bao thế hệ lãnh đạo cùng với với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Hướng đi phù hợp với định hướng phát triển xã hội