Theo dõi trên

Chia sẻ dạy chủ đề ngữ văn địa phương lớp 11

21/06/2024, 05:05

Vừa rồi, có hai cô giáo đọc bài Đôi điều về giáo dục địa phương trên Bình Thuận cuối tuần số 7606, gọi hỏi tôi sao năm nay không thấy triển khai tập huấn dạy tài liệu giáo dục địa phương lớp 11 như những cuốn sách trước và trao đổi một số vấn đề dạy Chủ đề 4: Tổng quan văn học viết tỉnh Bình Thuận trước năm 1975.

Về triển khai tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhưng rơi vào cuối năm, lại chưa có sách, nên chắc sở sẽ chuyển sang năm học mới khi học sinh có tài liệu sách trên tay. Còn trao đổi về dạy Chủ đề 4 – Chủ đề này tôi có tham gia biên soạn, nên có mấy chia sẻ như sau:

ngu-van.jpg

Chủ đề 4 gồm có 5 bài: Bài 1: Vài nét khái quát về văn học viết tỉnh Bình Thuận trước 1975 (sau năm 1975 sẽ học ở chương trình lớp 12). Nội dung bài khái quát, giới thiệu quá trình phát triển lịch sử văn học địa phương, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tính từ năm 1697, khi xuất hiện tên gọi Bình Thuận, đến cuối thế kỷ XIX; Giai đoạn 2 từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945; Giai đoạn 3 từ sau năm 1945 đến năm 1975. Dạy bài khái quát không yêu cầu dồn nén kiến thức buộc học sinh phải ghi nhớ một cách máy móc nặng nề, chỉ gợi ý hướng dẫn giúp các em rút ra được những nội dung cơ bản về văn học viết phát triển từng giai đoạn trên nền lịch sử xã hội của địa phương; biết so sánh, đối chiếu những điểm giống và khác nhau ở các giai đoạn; kể tên được một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở mỗi giai đoạn đó. Gợi ý cho các em biết nhận xét, đánh giá một cách tổng quan về giá trị văn học viết địa phương từ năm 1697 đến năm 1975 ở 2 mặt cơ bản: Nội dung và hình thức nghệ thuật - chủ yếu về thể loại tác phẩm.

Các bài 2, 3, 4, 5: Chọn trích tác phẩm để hướng dẫn đọc hiểu. Trong đó có 3 bài thơ, 1 truyện ngắn, 1 bài ký. Dụng ý của người trích dẫn ngữ liệu là chọn tác phẩm và thể loại qua các thời kỳ: Văn học trung đại chọn 2 bài thơ của Nguyễn Thông; Văn học hiện đại chọn 1 truyện ngắn của Yên Hy Ba (Lê Duy Hiến), 1 hồi ký của Hồ Phú Diên và 1 bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn. Thời lượng 5 bài trong Chủ đề 4 là 8 tiết học, phân bố thời gian cho từng bài học tùy thuộc vào dung lượng kiến thức soạn giảng của thầy cô, nhưng cần hết sức linh hoạt sao cho hợp lý.

Về các câu hỏi, người biên soạn dụng ý đưa hệ thống câu hỏi để thầy cô gợi ý, định hướng cho các em, như câu hỏi phần Đọc kết nối với viết ở bài 1: “Qua cảm tác của Nguyễn Thông, em có thái độ và đề xuất như thế nào về thực trạng xây dựng khu du lịch Bàu Trắng hiện nay (vừa bảo vệ khung cảnh thiên nhiên vừa quảng bá thắng cảnh quê hương)?”. Gợi ý này thầy cô có thể liên hệ với sự kiện nữ sinh viên Trần Thị Chi (quê La Gi) đoạt giải quán quân cuộc thi đồ án International Graduation Project Award 2023(*) để kích thích tinh thần tìm tòi nghiên cứu của học sinh. Một cô giáo hỏi, vì không nắm được chương trình Ngữ văn THCS, nên không hiểu Câu hỏi trước khi đọc ở bài 5: “Em còn nhớ tác phẩm văn học dân gian nào đã học ở phần Ngữ văn địa phương năm lớp 6 do Hồ Phú Diên sưu tầm hay không?”. Học sinh sẽ nhớ đó là truyện Chim Te Te. Cũng ở bài 5, Câu hỏi sau khi đọc: “Em hãy nêu sự khác nhau giữa thể ký và truyện ngắn”. Câu cầu khiến này gợi ý học sinh phân biệt được 2 thể loại ở mức độ cơ bản: Về ký: Gồm ký sự, phóng sự, bút ký, hồi ký, nhật ký; ký chú trọng ghi chép tái hiện lại sự việc, sự vật, những sinh hoạt đời sống xã hội con người, thiên nhiên, từ những sự việc, hiện tượng mắt thấy, tai nghe, rất ít yếu tố hư cấu, thường không có cốt truyện – trừ thể loại truyện ký, thậm chí không có nhân vật. Còn truyện: gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài – tiểu thuyết; truyện hầu hết dựa vào trí tưởng tượng, óc sáng tạo, hư cấu xây dựng cốt truyện, nội dung phản ánh xã hội con người, thiên nhiên thông qua sự quan sát và chiêm nghiệm của tác giả - cũng có loại truyện không có cốt truyện. Từ phân biệt truyện – ký, cần lưu ý thêm giúp các em xác định, so sánh thể loại thơ: Thể thơ Đường luật: 2 bài của Nguyễn Thông với thể thơ tự do: bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn.

Hai giáo viên trao đổi khá nhiều, nhưng vì dung lượng trang báo có sự giới hạn, xin hẹn trở lại nội dung này vào dịp khác.

(*): Đồ án của Trần Thị Chi, sinh viên Trường Đại học Văn Lang: “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận” đoạt quán quân Giải thưởng dự án tốt nghiệp quốc tế 2023 – International Graduation Project Award 2023.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
BTO-Sáng nay (20/6), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Cùng tham dự có thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi và các bộ, ngành liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chia sẻ dạy chủ đề ngữ văn địa phương lớp 11