Ảnh minh họa |
“Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê miền Trung nghèo khổ”, anh bắt đầu câu chuyện của mẹ mình như thế rồi hai mắt cứ đỏ hoe, cứ đục dần, nước mắt đọng thành ngấn và chảy thành dòng xuống hai má. Anh dụi mắt nói, anh với mẹ là hai người bạn tâm giao. “Bông nở con tề!” Mẹ dậy sớm phát hiện giò lan nở thế là anh và mẹ chế bình trà nóng ngồi với nhau vừa uống trà vừa luận bàn đủ thứ chuyện về bông hoa, về nhân tình thế thái, về thú chơi cổ ngoạn, về sự trân trọng cái đẹp quanh mình… “Mẹ tôi già mà nói chuyện hay lắm nghe!”, anh luôn nói về mẹ với lòng tự hào vô bờ bến.
Trong trái tim mỗi người đàn ông, người mẹ là người đàn bà quan trọng nhất, dường như suốt cả hành trình làm người của mình, người mẹ là sinh thể thứ hai, sống cùng, đồng hành, chi phối cả lúc thức, cả những giấc chiêm bao, ngay lúc mẹ còn sống cũng như lúc mẹ đã ra đi thật xa. Tôi hiểu trong trái tim của anh bạn tôi đây, điều ấy chắc không ngoại lệ. Nhưng lý lẽ và trí tưởng tượng của con người nhiều khi phải đi sau đời sống thực tế, dù tôi là người cầm bút nhiều năm, đã quan sát, đã nghe, đã suy ngẫm nhiều, rất nhiều về các ngóc ngách đời sống, nhất là đời sống nội tâm, tôi vẫn cứ bàng hoàng, rưng rưng trước câu chuyện ẩn chứa trong chiếc xe đạp của anh bạn mình, đúng hơn là của người mẹ. Hình ảnh đó có gì mà ngày nào anh cũng phải nhìn vào nó để sống tốt hơn, để nỗ lực nhiều hơn, để trân quý đời sống mà mình đang có? Chiếc xe đạp mà đã trở thành một động lực nâng con người anh sống mạnh mẽ, giúp anh biết yêu thương, vực dậy anh những khi suy sụp, thất bại, thất vọng, chắc chắn không phải vật sưu tầm bình thường.
Ngày mẹ anh nằm xuống, trong lúc bối rối lo hậu sự cho mẹ, anh kể về câu chuyện gắn bó với chiếc xe đạp ấy trong tiếng nấc nghẹn, trong lặng đi từng hồi. Bàn tay thô ráp vì lao động nặng nhọc ấy phải đến ba, bốn lần đưa lên bóp mạnh vào ngực trái.
… “Mùa xuân Mậu Thân 1968, chiến tranh bùng nổ dữ dội, đạn bom vùi dập xóm làng. Mẹ tôi loay hoay với chiếc xe đạp và 4 đứa con dại, đứa lớn nhất là tôi lúc ấy mới 8 tuổi, hai em gái của tôi còn nhỏ lắm, em trai út còn bồng bế.
Phải chạy để cứu con nhưng chặng đường quá xa, từ làng Kỳ Ngọc về tới Đà Nẵng phải hơn 40 cây số mà bom đạn thì đang ì đùng bên tai, người chết trên đường nhiều lắm, thay nằm la liệt. Mẹ giao cho tôi một đứa em gái và một cái đài ấp chiến lược, nói vô bụi cây ngồi yên chờ mẹ quay lại. Để hai đứa con trong mưa bom bão đạn mẹ làm sao yên lòng cho được, dù mẹ đã dặn đi dặn lại “ngồi yên và coi em, không được bỏ em dù một bước nghe con!”. Mẹ chở 2 đứa em tôi chạy mà mặt cứ quay lại miết, phần vì em gái tôi khóc quá, được chừng 5 cây số, mẹ lại tấp xe vô bụi cây ven đường, lại đặt 2 đứa em xuống một bụi cây, lại dặn, lại khóc. Mẹ ráng hết sức quay ngược đường để chở tôi và đứa em gái. Cứ dời lần lượt từng hai đứa con một cho đến hết đoạn đường mưa bom bão đạn kinh khủng ấy. Có khi thấy đạn cối nổ gần chỗ các con ngồi, mẹ tôi như người mất hồn, bàng hoàng, thảng thốt, vừa đạp mẹ vừa gọi tên các con đến khan rát cả cổ. Vậy đó, bất chấp lửa đạn tàn khốc, mẹ đã đưa được 4 đứa con về tới Đà Nẵng nguyên vẹn. Chiếc xe đạp ấy giờ đây tôi vẫn còn giữ như một báu vật, chiếc xe đạp mà cha mẹ tôi đã đổi được từ 100 ang lúa, chiếc xe đạp mà người mẹ yêu quý của tôi đã một mình đưa được 4 đứa con thơ thoát khỏi cơn chết chóc đau thương. Chiếc xe đạp ấy là biểu tượng kiên cường của người mẹ bất chấp cả mạng sống của mình để bảo vệ đàn con. Có lần tôi hỏi: “Sao lại chia một trai một gái để chở?”, mẹ tôi nói: “Lỡ bị trúng đạn giữa đường thì cũng còn lại một trai một gái”. Lời của mẹ, sự tính toán của mẹ là bài học sinh tồn lớn lao đối với chúng tôi…”.
Tôi nghe xong chuyện chiếc xe đạp của mẹ anh mà thương quá đỗi. Còn anh thì đang giàn giụa trong nước mắt.
Không biết có bao nhiêu bà mẹ quê đã bồng bế dìu chở, đã bảo vệ đàn con trong cơn binh lửa như vậy?! Và không biết bao nhiêu bà mẹ quê đã nằm xuống, đã tan da nát thịt trên đường chạy vì sự sống của đàn con?! Chiến tranh tàn khốc. Bom đạn vô tình. Làm sao thống kê cho hết nỗi đau?! Làm sao nói hết được sự phi thường của những người mẹ Việt?! Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện chiến tranh, nỗi buồn chiến tranh vẫn như dòng nước ám ảnh âm ỉ chảy trong tầng sâu đời sống, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những di vật mang chứa trong đó nhiều điều, nhiều nỗi niềm của thế hệ đi qua chiến tranh và đó cũng chính là động lực, là sự nhắc nhở con cháu sống sao cho xứng với tình thương, với niềm trao gửi của người đi trước. Chiếc xe đạp của anh bạn tôi không chỉ là chiếc xe đạp, bởi tôi biết trong trái tim mình, chiếc xe đạp ấy là báu vật của đời anh.
Nguyễn Hiệp