Theo dõi trên

Chính quyền Biden “từng bước” thực hiện các cam kết ở châu Á -Thái Bình Dương

15/03/2021, 09:11

Hôm nay (15/3), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản, kéo dài trong ba ngày. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu này trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bên cạnh cuộc họp chung theo hình thức “2+2”, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng có những cuộc gặp song phương riêng rẽ với những người đồng cấp phía Nhật Bản. Kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, bộ đôi quyền lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tới Hàn Quốc.

Chuyến thăm Đông Bắc Á của các quan chức cấp cao Mỹ được tiến hành nhằm tái khẳng định cam kết của nước này để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Mục đích chuyến công du Đông Bắc Á

Đây là chuyến công du nước ngoài trực tiếp đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Điểm đến của chuyến “xuất ngoại” đầu tiên này của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, cuối tháng trước, Ngoại trưởng Blinken cũng đã thực hiện chuyến thăm hai quốc gia đồng minh láng giềng là Canada và Mexico song diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Mục đích chính của chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của người đứng đầu hai bộ “sức mạnh” của Mỹ, như thông cáo báo chí và tiết lộ của các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, là tham dự Đối thoại Chiến lược và An ninh, thường biết đến dưới tên gọi Đối thoại “2+2”. Bên cạnh tham dự Đối thoại 2+2, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn tiến hành gặp riêng rẽ những người đồng cấp cùng các quan chức khác của Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tham dự một số hoạt động bên lề.

Chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở cả ba nước. Điều này cho thấy sự “nóng lòng” và “quyết tâm” củng cố và tăng cường quan hệ với hai đồng minh chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trọng tâm của cuộc thảo luận

Theo ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, tại Tokyo và Seoul, Ngoại trưởng Blinken sẽ làm việc với các quan chức hai nước chủ nhà, nhằm mở rộng hợp tác về xử lý dịch bệnh Covid-19, tăng cường khả năng răn đe đối với các mối đe dọa trong khu vực và giải quyết biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác ba bên về một loạt các vấn đề toàn cầu, trong đó có phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Ông Blinken cũng sẽ thảo luận về những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về quyền con người và các quyền tự do cơ bản, thiết lập các quy tắc quốc tế hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các quốc gia như Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang không tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình.

Cụ thể, trong chặng dừng chân tại Tokyo, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và các quan chức cấp cao khác. Ông Blinken cũng sẽ gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nữ doanh nhân để nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật.

Còn trong chặng dừng chân tại Seoul, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong và các quan chức cấp cao khác. Bên cạnh đó, ông Blinken sẽ gặp trực tuyến các nhà lãnh đạo trẻ Hàn Quốc để thảo luận về tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như trên toàn cầu.

Ngoài ra, ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp gỡ trực tuyến cộng đồng báo giới để thảo luận về tầm nhìn của chính quyền Biden-Harris đối với vị thế của nước Mỹ trên thế giới, cũng như vai trò của báo chí tự do trong việc thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ dân chủ.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm, ông Sung Kim cho biết, Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ thảo luận về tình hình chính trị-an ninh hiện tại ở Myanmar với giới chức Nhật Bản, quốc gia vốn có nhiều lợi ích và gắn kết ở Myanmar. Các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, trong đó có khu vực Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), cũng sẽ được Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin thảo luận với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vậy, đây sẽ không phải là chủ đề chi phối toàn bộ lịch trình chuyến thăm của hai quan chức.

Trong khi đó, quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông David Helvey cho biết, bên cạnh tham dự Đối thoại 2+2 cùng Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Austin sẽ gặp riêng rẽ người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook, cũng như các quan chức cấp cao khác của hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Austin sẽ thảo luận với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc về những phương thức nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ liên minh, nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Chính quyền Biden từng bước thực hiện các cam kết

Cũng trong tuần này, các quan chức hàng đầu của Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc tại bang Alaska của Mỹ, và trước đó, cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm Bộ Tứ giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Trên thực tế, không lâu sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với cả Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Ấn Độ. Hai Bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng đã điện đàm với những người đồng cấp 4 nước nêu trên.

Tất cả những động thái đó chứng tỏ chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện đúng, từng bước hiện thực hóa các cam kết và ưu tiên trong chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những nội dùng này đã được vạch ra trong bài phát biểu lớn đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken về chính sách đối ngoại, cũng như Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời của chính quyền Biden được công bố mới đây.

Điểm đáng chú ý là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xếp vị trí thứ nhất theo khu vực địa lý về thứ tự ưu tiên trong các chính sách đối ngoại và an ninh - quốc phòng. Trong khi đó, khôi phục quan hệ với các đồng minh và đối tác, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, được xếp thứ năm trong tám ưu tiên về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì Washington nhận thấy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phải đương đầu với sức ép ngày càng lớn từ phía Trung Quốc, cùng với đó là mối đe dọa tiếp diễn từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây cũng chính là khu vực gắn liền với các lợi ích an ninh mang tính sống còn và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong những năm tới.

Phạm Huân/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden “từng bước” thực hiện các cam kết ở châu Á -Thái Bình Dương