Theo dõi trên

Chính quyền điện tử  phát huy tác dụng trong đại dịch Covid-19

20/05/2021, 09:14

BT- Những lợi ích của chính quyền điện tử mang lại là tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp, tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Đặc biệt là trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát thì chính quyền điện tử càng phát huy tác dụng.

Các dịch vụ công trực tuyến đem lại thuận lợi cho người dân.

Ngay ở thời điểm này, hệ thống hội nghị trực tuyến càng phát huy tác dụng để triển khai công việc tại các điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở, vừa giảm bớt chi phí đi lại cho cán bộ, công chức, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông băng thông rộng là nền tảng cho triển khai xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đến tận các xã trên địa bàn tỉnh. Khi chính quyền điện tử đi vào hoạt động đã làm thay đổi căn bản, chuyển từ hình thức làm việc giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử trong cơ quan nhà nước. Văn bản điện tử dần thay thế văn bản giấy để tiết kiệm chi phí hàng năm cho việc phát hành văn bản giấy của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thời gian gửi, nhận văn bản từ tỉnh đến các xã chỉ còn tính bằng giây. Ngoài ra, ứng dụng chữ ký số cũng đã được quan tâm và đẩy mạnh sử dụng trong các cơ quan, đơn vị nhằm phục vụ việc ký số văn bản, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, ứng dụng CNTT trong xử lý, điều hành công việc, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai... Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, vận dụng chính quyền điện tử để khai báo y tế trong phòng chống dịch cũng đang phát huy tác dụng tốt. Minh chứng cho điều này là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh và rà soát cài đặt ứng dụng khai báo sức khỏe y tế điện tử như: Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền, vận động người dân, công chức, viên chức, người lao động khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các ứng dụng phần mềm gồm tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước ta, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, các ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt như xây dựng, phát triển một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Việc xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin... bước đầu được thiết lập. Đây là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa quản trị công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử này giúp hạn chế tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Để tiếp tục vận hành tốt chính quyền điện tử trong thời gian tới, đòi hỏi phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nền tảng góp phần đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, xây dựng công dân điện tử, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là các quy định về hoạt động kinh doanh. Hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa phát triển để hình thành các doanh nghiệp có năng lực đi ra toàn cầu, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền điện tử  phát huy tác dụng trong đại dịch Covid-19