Theo dõi trên

Chính thức trình Chính phủ nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước

22/06/2023, 15:40

Bộ Tài chính cho biết đã có Tờ trình số 119/TTr-BTC gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo Bộ Tài chính, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

1447_o-to.jpg

Bộ Tài chính đề xuất từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, mức thu LPTB bằng 50% mức thu hiện hành. (Ảnh: KT)

Nếu được thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Bộ Tài chính đánh giá, việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000 - 9.000 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ tác động tới thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.

Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng có thể tăng.

Tuy nhiên, thực tế số thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương).

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mì ăn liền Việt Nam được nới lỏng quy định xuất khẩu sang EU
Từ ngày 27/6, mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính thức trình Chính phủ nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước