Theo dõi trên

Chính trường các nước châu Âu "rung chuyển" sau cuộc bầu cử Nghị viện

11/06/2024, 21:41

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang làm "rung chuyển" chính trường của một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu.

Quá trình kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc, song kết quả gần như chắc chắn rằng Nghị viện châu Âu đang dịch chuyển sang cánh hữu. Tại Italy, đảng của Thủ tướng Giorgia Meloni và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà đã tăng được hơn gấp đôi số ghế trong cơ quan lập pháp.

bau_cu_nghi_vien_chau_au_ep.jpg

Các chính trường châu Âu “rung chuyển” sau bầu cử Nghị viện. Ảnh: EUI

Trong khi đó, bất chấp bê bối của một loạt ứng cử viên, đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) vẫn tập hợp đủ số ghế để vượt qua đảng Dân chủ Xã hội đang sa sút của Thủ tướng Olaf Scholz.

Đáng chú ý nhất, đảng Tập hợp quốc gia do chính trị gia cực hữu Marine Le Pen lãnh đạo đã thống trị các cuộc thăm dò ở Pháp đến mức Tổng thống Emmanuel Macron phải ngay lập tức giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm vào cuối tháng này.

Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận: “Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu không phải là một kết quả tốt đối với các đảng bảo vệ châu Âu. Các đảng cực hữu trong những năm gần đây đã phản đối rất nhiều bước tiến mà chúng ta đạt được, bao gồm cả phục hồi kinh tế, bảo vệ biên giới chung, hỗ trợ người nông dân, hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên họ đang nhận được lợi ích ở khắp mọi nơi trên lục địa. Đối với tôi, người luôn coi châu Âu là một khối đoàn kết, mạnh mẽ, độc lập và tốt cho nước Pháp, đây là tình huống mà tôi không hề nghĩ tới”.

Nhìn chung trên toàn Liên minh châu Âu, hai nhóm chính thống và ủng hộ châu Âu là đảng Dân chủ Thiên chú giáo và đảng Xã hội vẫn chiếm ưu thế. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von Der Leyen vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu với 191 trên tổng số 720 ghế của Nghị viện châu Âu.

Ở vị trí thứ hai là đảng Dân chủ Xã hội với 135 ghế, tiếp theo là khối Phục hưng châu Âu 83 ghế và đảng Xanh 53 ghế. Tuy nhiên, thắng lợi vang dội của phe cực hữu cũng đồng nghĩa với số ghế giảm sút của các đảng chính thống.

Ngay sau khi những kết quả đầu tiên được công bố, bà Ursula Von Der Leyen và các thành viên cấp cao khác trong Nghị viện châu Âu hôm qua đã bắt tay vào đàm phán để đánh giá các triển vọng thành lập liên minh.

Trước đó, nhà lãnh đạo này đã lần đầu tiên đề cập đến khả năng liên minh với một nhóm chính trị thiên hữu hơn để thành lập liên minh đa số tại Nghị viện.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Andrew Gray tại Anh, chìa khoá cho hoạt động của Nghị viện châu Âu trong tương lai sẽ là liệu phe cực hữu có tập hợp nhau lại thành một khối đủ mạnh để thách thức các nhóm chính trị ủng hộ châu Âu hay không.

“Phe cực hữu đã tăng số ghế trong Nghị viện Châu Âu. Khoảng một phần tư số thành viên có thể thuộc các đảng cực hữu khác nhau. Vì vậy, bây giờ câu hỏi là họ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào trong phòng họp. Đáng chú ý là về khí hậu, Liên minh châu Âu có những mục tiêu rất tham vọng về việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều chính sách trong số này đã được áp dụng nhưng một số chính sách sẽ được xem xét lại. Vì vậy, chúng ta sẽ xem liệu phe cực hữu có thể tác động, có lẽ làm loãng đi, một số chính sách này hay không”, ông Gray nhận định.

Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm thử thách lòng tin của cử tri đối với Liên minh châu Âu. Trong 5 năm qua, Liên minh châu Âu đã bị rung chuyển bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Kể từ cuộc bầu cử Liên minh châu Âu gần đây nhất năm 2019, các đảng dân tuý hoặc cựu hữu đã lên nắm quyền ở Hungary, Slovakia và Italy, đồng thời là một phần của các liên minh cầm quyền ở các quốc gia khác bao gồm Thuỵ Điển, Phần Lan và sắp tới là Hà Lan.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới tại Nga
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (gọi tắt là BRICS) khai mạc sáng 10/6 tại thành phố Nizhny Novgorod của Nga - quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch BRICS.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính trường các nước châu Âu "rung chuyển" sau cuộc bầu cử Nghị viện