Theo dõi trên

Chọn nghề: Định hướng thay vì ép buộc

29/03/2024, 06:02

Cha mẹ nào cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Tâm lý chung, ai cũng mong theo những nghề nghiệp thu nhập ổn định để sau này có cuộc sống tốt.

Cũng vì lý do đó mà nhiều người ép con phải nối nghiệp bởi lẽ cha mẹ đã gầy dựng con cái chỉ việc nối tiếp nên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào con cái cũng chấp nhận nối nghiệp theo cha mẹ, nhất là những ngành nghề đòi hỏi phải có đam mê lẫn tố chất. Giới trẻ bây giờ năng động và tự lập sớm, thích đi theo con đường riêng của mình chứ không dễ “uốn” như những thế hệ trước. Bởi vậy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái vô hình kéo giãn ra, đôi khi xảy ra xung đột chỉ bởi việc chọn nghề gì cho tương lai.

chon-nghe.jpg
Ảnh minh họa.

Vậy, cha mẹ có nên chọn nghề cho con không hay để con tự lựa chọn theo sở thích?

Công bằng mà nói, cha mẹ là những người đi trước, đã từng trải qua thất bại, va chạm cuộc sống nhiều nên cái nhìn có phần sáng suốt hơn con cái. Việc cha mẹ lựa chọn nghề cho con không có gì là sai, điều này giúp rút ngắn thời gian cho con cái. Thay vì phải lăn xả, trải nghiệm để rút ra bài học thì nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ, con cái đã hiểu được bài học đó rồi. Việc cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con dựa trên năng lực của con là một thuận lợi mà không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng am hiểu về thị trường nghề nghiệp cũng như hiểu được khả năng của con mình, nên việc định hướng nghề nghiệp cho con đa phần là do cảm nhận riêng, cho rằng ngành nghề này “hot”, nghề kia không phù hợp mà thôi. Nhiều phụ huynh cứ muốn con theo những nghề mà họ cho rằng thu nhập cao nhưng không xét tới yếu tố khả năng của con có đáp ứng được không. Một số khác thì ép con theo nghề cha mẹ vì nghĩ rằng có cơ sở sẵn chỉ cần học ra trường là cha mẹ hỗ trợ từ A đến Z.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cha mẹ giỏi lĩnh vực gì thì con sẽ giỏi lĩnh vực đó. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy trí thông minh được di truyền. Có vài trường hợp cha mẹ giỏi lĩnh vực này nhưng con cái lại giỏi lĩnh vực khác. Hơn nữa, việc thành công trong nghề nghiệp ngoài năng lực còn đòi hỏi phải có niềm đam mê. Nếu không đam mê sẽ dễ dàng nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Việc trải nghiệm, học hỏi, tích lũy kiến thức thì mỗi người phải tự mình trải qua chứ không thể hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ từ cha mẹ được. Bởi vậy, cha mẹ không hiểu con thích cái gì, muốn làm công việc gì, năng lực của con có phù hợp không mà cứ ép theo nghề ba mẹ lựa chọn thì trước sau gì cũng xảy ra mâu thuẫn giữa hai thế hệ.

Một người bạn của tôi tâm sự, hồi xưa ba mẹ bắt đi học sư phạm vì ra trường là có việc làm ngay, công việc lại nhàn nhã, được mọi người kính trọng và hơn hết là được nghỉ hè mà vẫn hưởng lương. Vốn tính ngoan hiền, bạn nghe theo lời ba mẹ mà chẳng phân vân suy nghĩ gì vì chính bản thân bạn cũng chẳng biết mình nên theo học ngành gì, khả năng của mình giỏi lĩnh vực nào. Sau khi ra trường, bạn được biên chế vào dạy ngay, thời đó giáo viên đang thiếu. Ba mẹ bạn thở phào xem như lo xong cho con. Nhưng cha mẹ không biết rằng sau khi đi dạy, bạn mới nhận ra rằng mình không đam mê công việc giảng dạy cho lắm. Bạn thấy việc ngày ngày lên lớp, giảng bài, chấm bài, họp hành… gò bó và chán ngắt. Nhưng do còn trẻ, bạn cũng đành xuôi theo số phận chỉ nghĩ đơn giản có công việc làm, lo được cho bản thân và gia đình là được. Nào ngờ, mười mấy năm sau bạn xin nghỉ, chuyển sang kinh doanh. Ai cũng bảo bạn có vấn đề vì công việc ổn định không làm lại xin nghỉ. Chỉ có bạn là cảm thấy quyết định của mình đúng đắn vì từ khi chuyển sang kinh doanh, bạn tự chủ được thời gian, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ, dành ra được thời gian cho riêng mình để đi đây đi đó khám phá cuộc sống. Bạn tâm sự, ai cũng nghĩ giáo viên là nhàn, là sướng nhưng không hề biết giáo viên phải cắm cúi soạn giáo án, chấm bài, đảm nhận trách nhiệm theo sát học sinh lớp chủ nhiệm đến không có thời gian nghỉ, cuối tuần vẫn phải làm việc, không những vậy ngày nào cũng thức tới khuya. Cứ lên một tiết thao giảng hay thi giáo viên dạy giỏi thì phải chuẩn bị cả tháng, lại phải sống trong lo lắng nữa. Từ khi nghỉ dạy, tinh thần bạn thoải mái hơn, không phải áp lực, lo lắng nhờ vậy sức khỏe cũng được cải thiện rõ rệt.

Khi tôi hỏi bạn có giận ba má vì hồi đó bắt bạn theo sư phạm không, bạn trả lời hiền khô: Giận gì đâu, ba má cũng có am hiểu đâu, chỉ thấy sư phạm thì dễ xin việc, lương ổn định thì bắt mình theo thôi. Ba má cũng chỉ muốn tốt cho mình mà. Giận là giận bản thân mình kìa, giận sao hồi đó không năng động lên, tự biết được thế mạnh của mình, tự biết được điều gì tốt cho mình thì có lẽ đã không mất mười mấy năm để tìm kiếm. Nghe bạn nói, tôi cũng thở phào, mừng vì bạn hiểu chuyện.

Câu chuyện của bạn khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Rõ ràng sự định hướng nghề nghiệp từ cha mẹ là cần thiết nhưng phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Suy cho cùng, chính con là người làm việc, sống cùng với nghề đó suốt đời chứ không phải cha mẹ. Chỉ cần con đam mê và kiên trì học hỏi thì chắc chắn sẽ thành công. Nghề nào cũng đáng quý, không có nghề giá trị hơn và nghề ít giá trị. Thay vì ép buộc con lựa chọn những nghề “hot” thì hãy định hướng cho con lựa chọn đúng nghề con yêu thích, phân tích những khó khăn trong nghề để con có cái nhìn đúng đắn, đưa ra được định hướng cho tương lai của mình.

MY MY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Học tập suốt đời trong kỷ nguyên số
Sau bao nhiêu năm miệt mài trên bục giảng với từng trang giáo án, khi đến tuổi về hưu, thầy Trần Quang Tưởng ở thôn Cam Bình, xã Tân Phước vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu thông qua mạng internet, để làm giàu tri thức cho bản thân trong thời đại công nghệ số 4.0 đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội như hiện nay.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn nghề: Định hướng thay vì ép buộc