Theo các Phòng Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh, công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Còn không ít hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; chuyển quyền sử dụng đối với đất không đủ điều kiện và đất không được phép chuyển quyền; lấn chiếm, hủy hoại đất… Đặc biệt, không thực hiện đăng ký biến động về đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…
Theo đó, chỉ tính riêng năm 2023, huyện Hàm Tân có hơn 80 hồ sơ chậm đăng ký, Hàm Thuận Bắc có đến hơn 250 hồ sơ, nhiều huyện, thị khác cũng tương tự. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện Hàm Thuận Bắc Trần Thị Mỹ Lệ cho biết, năm 2023, toàn huyện có hơn 400 hồ sơ xử phạt hành chính. Trong đó có 365 hồ sơ xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai, chủ yếu liên quan chậm đăng ký biến động đất đai khi thực hiện quyền sử dụng đất. Có những hồ sơ chậm 3 đến 6 tháng, thậm chí nhiều năm, bị xử phạt số tiền lớn.
“Những năm trước chỉ vài chục hồ sơ chậm đăng ký, thậm chí không có hồ sơ nào, nhưng 2 năm qua tình trạng khá nhiều. Điều này tạo thêm “gánh nặng” cho những người làm công tác xử lý vi phạm hành chính về đất đai. Bởi làm một hồ sơ xử phạt, từ khâu lập hồ sơ cho đến khi thu được tiền phạt không phải đơn giản. Do vậy, cần phải tuyên truyền cho người dân để đảm bảo quyền lợi cho họ, giảm áp lực cho ngành tài nguyên môi trường. Hiện nay không ít người dân còn chủ quan, với quan niệm bán đất rồi thì thôi...”, một cán bộ tài nguyên & môi trường chia sẻ.
Trước thực trạng, cùng với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khác, các Phòng Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các sở, ngành quan tâm tiếp tục mở các lớp nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm trang bị, nâng cao kiến thức quản lý, kỹ năng xử lý tốt công tác này. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành tư pháp tuyên truyền cho người dân kịp thời đi đăng ký biến động ngay sau khi chứng thực các hợp đồng. Về công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt các quy định, chủ động thực hiện, ông Nguyễn Phi Hổ - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, ngay từ đầu năm phòng có văn bản gửi cho các ban, ngành đề nghị xem xét trong ngành có vấn đề gì cần tuyên truyền cho người dân nắm thì thống kê gửi cho Phòng Tư pháp. Theo đó, Phòng Tư pháp sẽ căn cứ vào thực tế, có kế hoạch phối hợp với các bên tuyên truyền.
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dự án được triển khai, đồng nghĩa có nhiều trường hợp biến động về đất đai cần được điều chỉnh, chưa kể biến động do chuyển nhượng, tặng cho khác. Để người dân chủ động, hạn chế việc chậm đăng ký biến động về đất đai, thời gian tới các Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị, thành phố phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thông tin tuyên truyền đến người dân các quy định về đất đai, nhất là việc đăng ký biến động đất đai nhằm hạn chế việc chậm đăng ký dẫn đến gia tăng việc bị xử phạt vi phạm hành chính. Đảm bảo quyền lợi cho người dân, giảm “gánh nặng” công việc cho ngành tài nguyên và môi trường vốn nhân lực mỏng.
Điều 95 Luật Đất đai, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực, người nhận chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Nếu trong thời gian này không đi đăng ký sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại khoản 2, Điều 17 Nghị định 91 quy định: Nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động sẽ bị phạt từ 1- 3 triệu đồng, quá 24 tháng thì bị phạt từ 2- 5 triệu đồng.