Từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các thế lực thù địch đã tập trung chỉ đạo, tài trợ; tăng cường hệ thống thông tin tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam. Đã có gần 40 đài phát thanh, truyền hình có chương trình tiếng Việt, gần 500 tờ báo, tạp chí, bản tin bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài, chĩa mũi nhọn chống phá ta trên nhiều phương diện. Thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chúng lợi dụng ưu thế của công nghệ thông tin, triệt để khai thác mạng Internet, sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, nhân các sự kiện lớn của đất nước, các ngày lễ của dân tộc hoặc khi Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ bàn và thông qua những vấn đề lớn của đất nước là chúng cấu kết, rùm beng tuyên truyền, kích động làm xói mòn niềm tin của một bộ phận công chúng, thậm chí gây những vụ bạo động đập phá, biểu tình, bãi công… gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và xây dựng phát triển kinh tế.
Gần đây nhất, theo thông tin của cơ quan chức năng, các đối tượng phản động, chống đối chính trị, cực đoan trong tôn giáo ở trong và ngoài nước lợi dụng sự kiện Philippines và Trung Quốc đàm phán hợp tác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (nằm cách bờ biển Philippines 85 hải lý) để lấy cớ tuyên truyền xuyên tạc làm cho quần chúng nhân dân mất cảnh giác, mơ hồ về nhận thức, qua đó kích động gây chia rẽ, mâu thuẫn Việt Nam - Trung Quốc và tổ chức các hoạt động chống phá. Ngoài ra, chúng tiếp tục lợi dụng các sự kiện chính trị (nhất là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12/2018), vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường và sự nhận thức chưa đầy đủ của người dân để kích động, tụ tập đông người, biểu tình, gây rối chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc cũng như trên địa bàn từng tỉnh, thành phố.
Trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, vấn đề cần làm trước mắt cũng như lâu dài là phải tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để làm tốt công tác tuyên truyền, vạch trần tính chất phản động, phản khoa học, tính chất mị dân của các thế lực thù địch nói chung, nhất là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lưu vong, những kẻ cơ hội chính trị. Một mặt phải tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội, chủ động ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại”. Mặt khác phải xây dựng lực lượng đủ mạnh để tổ chức việc đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các tổ chức phản động, thù địch một cách thường xuyên, kịp thời và hiệu quả trên mạng xã hội và cơ quan báo chí, truyền thông chính thống. Nắm bắt và xử lý kịp thời số đối tượng sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, kích động người dân tụ tập đông người trái phép phản đối và tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật. Qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố và tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch trước âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch.
Sự kiện ngày 10 và 11/6/2018 cho chúng ta bài học về nắm bắt tình hình hình, xử lý tình huống và sự phối hợp, tính quyết đoán, quyết liệt trong giải quyết vụ việc. Để tránh những sự cố đáng tiếc, cần phát huy trách nhiệm của các thành viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là địa bàn đã từng xảy ra các vụ tụ tập đông người gây bạo loạn trong thời gian qua để phát hiện, phân tích, đánh giá, dự báo đúng, sẵn sàng các phương án ứng phó, đấu tranh ngăn chặn “từ xa”, giải quyết kịp thời những vụ việc phức tạp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
THẾ NAM