Để khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, ngay từ tháng 1/2018, Tỉnh ủy Bình Thuận đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU và Chương trình hành động số 43-CTr/TU về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, phương pháp phù hợp, hành động quyết liệt, những việc đã rõ là làm ngay, không trông chờ hướng dẫn của cấp trên; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt đề án Văn phòng Tỉnh ủy được giao phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Đối với đề án sắp xếp tổ chức bên trong Văn phòng Tỉnh ủy và các ban của Tỉnh ủy, kết quả sau sắp xếp còn 20/28 phòng, giảm 8 phòng, 1 phó ban và 22 lãnh đạo cấp phòng. Kết quả sắp xếp bộ máy bên trong của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp tỉnh còn 20/34 ban chuyên môn; giảm 14 ban, 32 lãnh đạo cấp phòng/ban. Trường Chính trị tỉnh giảm 2 đầu mối, 1 biên chế, 6 trưởng, phó phòng/ban. Báo Bình Thuận giảm 4 đầu mối, 2 biên chế, 1 Phó tổng biên tập, 6 trưởng, phó phòng. Triển khai hợp nhất 2 Đảng ủy Khối và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh.
Đối với bộ máy bên trong các sở, cơ quan ngang sở sau khi sắp xếp giảm 52 đầu mối so quy định (chiếm 31,9%) và giảm 34 đầu mối so hiện tại (23,45%). Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 27 đầu mối (từ 122 còn 95 đầu mối). Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chọn huyện Phú Quý thí điểm thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện; hợp nhất một số cơ quan tham mưu huyện ủy với cơ quan chuyên môn UBND huyện; hợp nhất các cơ quan giúp việc chung của khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội huyện; sát nhập các cơ quan chuyên môn UBND huyện. Đối với cấp xã, dự kiến từ nay đến năm 2021 sẽ sáp nhập, điều chỉnh địa giới 10 đơn vị hành chính cấp xã và giai đoạn 2022-2030 tiến hành sắp xếp 12 đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chuẩn…
Hiện một số tổ chức mới đã đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2018 và nhiều tổ chức khác theo mô hình mới sẽ đi vào hoạt động từ 1/1/2019. Với những kết quả trên cho thấy việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của tỉnh ta trong thời gian qua thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Để tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa của chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, không tránh khỏi những tâm tư nảy sinh. Do đó, công tác tuyên truyền phải thật cụ thể, phù hợp đối tượng và lộ trình thực hiện. Mặt khác, tỉnh cần nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ đối với các chức danh kiêm nhiệm, cán bộ dôi dư do sắp xếp, tạo động lực và an tâm trong tư tưởng cán bộ, nhất là những cán bộ qua sắp xếp không còn giữ chức vụ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
THỀ NAM