Theo dõi trên

Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm

14/07/2018, 08:12

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Chú ý chuẩn bị hồ sơ ngay từ bây giờ và Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu ngay từ bây giờ chứ không đợi tháng 8, tháng 9".

Sau 3 ngày làm việc chiều nay (13/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bế mạc. 

Phát biểu kết luận phiên họp thứ 25, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 không chọn Bộ trưởng chất vấn mà sẽ chất vấn lời hứa của tất cả các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

                
      
      Bế mạc phiên họp thứ 25,    Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chương trình chất vấn sẽ được đưa vào 1/3 thời gian còn lại của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh các dự án luật. Đối với Luật phòng chống tham nhũng, tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục, sát với thực tiễn.

Đối việc lấy ý kiến tín nhiệm đối với người người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Chú ý chuẩn bị hồ sơ ngay từ bây giờ và Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu ngay từ bây giờ chứ không đợi tháng 8, tháng 9. Ngay từ giữa tháng 7 phải bắt tay vào chuẩn bị nội dung lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Chúng ta hoàn thành nội dung trong tháng 8 và tháng 9 sắp tới, không dồn vào các phiên họp sát kỳ họp của Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và của cả nước.

Thực tế, cơ sở hạ tầng của Thành phố còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống giao thông, xử lý chất thải và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm ngập mặn, hạn hán, sạt lở... còn yếu và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và môi trường dân sinh của Thành phố. Do đó, việc nâng mức dư nợ vay từ 30% lên 40% cho ngân sách thành phố Cần Thơ sẽ tạo điều kiện cho Thành phố trong việc huy động thêm nguồn vốn đầu tư phát triển. 

Các đại biểu cũng cho rằng, việc quy định hỗ trợ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố không quá 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là động lực khuyến khích Thành phố phấn đấu tăng thu và giải quyết các vấn đề phát sinh của biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: “Chi cho thành phố Cần Thơ chưa bằng thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, trong khi đó các thành phố đều trực thuộc Trung ương. Tác động của biến đổi khí hậu ở Cần Thơ như xâm nhập mặn và kể cả sạt lở ven sông, khác Đà Nẵng, Hải Phòng. Ở đây chi phí lớn, đất sình, mềm không cố định".

Lại Hoa/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm