Tiềm năng lớn
Du lịch về nguồn đã và đang được rất nhiều người quan tâm, bởi nó không chỉ đơn thuần là một chuyến du lịch mà là một hành trình văn hóa hết sức thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cụ thể, du lịch về nguồn chứa đựng nhiều ý nghĩa xã hội, cung cấp thông tin thực tế, sống động về lịch sử, văn hóa, mang ý nghĩa giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ.
Nếu như trước đây, đối tượng của du lịch về nguồn chủ yếu là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình cách mạng, hay các tổ chức đoàn thanh niên, học sinh tới học tập, tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, thì vài năm gần đây, nhiều tour du lịch về nguồn đã thu hút đông du khách trẻ tuổi.
Ở Bình Thuận, một tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa, có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được đưa vào nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích đều chứa đựng giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đang được gìn giữ phát huy giá trị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch về nguồn. Thời gian qua, nhiều di tích được giới thiệu, phục vụ phát triển du lịch, văn hóa đạt hiệu quả như: Di tích Trường Dục Thanh, tháp Pô Sah Inư, vạn Thủy Tú (Phan Thiết), chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), chùa Linh Quang, vạn An Thạnh, đền thờ công chúa Bàn Tranh (Phú Quý)… và chưa kể các “địa chỉ đỏ” khác như Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc…
Những di tích này đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Điển hình Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn chỉ mới khánh thành vào đầu năm 2023, cho đến nay đã thu hút gần 30.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Trong khi, Di tích Trường Dục Thanh, năm 2023 lượng khách đến tham quan và tổ chức các lễ viếng, sinh hoạt chính trị 165.718 lượt người, phục vụ 388 lễ viếng, báo công, tuyên dương, lễ xuất quân, kết nạp Đảng, trao giấy khen, sinh hoạt chuyên đề… tăng rất nhiều so với những năm trước. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận Đặng Văn Hưng cho biết, du khách đến Khu Di tích Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Ngoài khách đoàn từ Trung ương đến địa phương đến viếng, báo công, lễ xuất quân, kết nạp Đảng... và học sinh, sinh viên về nghiên cứu học tập thì nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng những năm qua Bình Thuận chỉ chú trọng du lịch biển, du lịch sinh thái rừng, hồ, còn dường như chưa đẩy mạnh loại hình du lịch này.
Tăng sức hấp dẫn
Những năm qua, Bình Thuận đã có nhiều di tích được bảo tồn, trùng tu tôn tạo, khôi phục… Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thế Nhân từng trả lời báo chí: Bình Thuận tập trung khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm du lịch ở địa phương. Tỉnh đầu tư xây dựng Bảo tàng Bình Thuận, Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh gắn với phát triển đồng bộ tiềm năng du lịch.
Tuy vậy, nhiều di tích còn hạn chế trong việc đầu tư tôn tạo, chưa thu hút nhiều khách du lịch để nâng tầm du lịch về nguồn. Để du lịch về nguồn thêm sức hấp dẫn đối với du khách, góp phần làm giàu loại hình du lịch của tỉnh. Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, cách mạng; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, tập trung đầu tư thêm hạ tầng cơ sở cũng như tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để các di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, cuốn hút du khách.