Theo dõi trên

Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” – cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 1

28/10/2024, 05:20

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy mà công việc được thực hiện nhanh hay chậm, hiệu quả tốt hay xấu, người dân hài lòng hay bất mãn… phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ, trách nhiệm, tâm thế và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Thế nhưng hiện nay, vẫn xảy ra tình trạng CBCCVC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình. “Căn bệnh” này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, kìm hãm sự phát triển của đất nước, địa phương. Tại Bình Thuận, nhiều giải pháp được đưa ra để “chữa trị” căn bệnh này.

ngu-dan-1-.jpg
Ông Huỳnh Quang Huy (áo trắng) về với bà con ngư dân vùng biển Thuận Quý.

Kỳ 1: Nghe tiếng dân bằng trái tim “công bộc”

Năm 2008, một ngư dân tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận làm 1 lá đơn gửi đến các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đề xuất một nguyện vọng. Nội dung lá đơn viết: “Là một ngư dân, làm ăn nhiều năm trên biển. Tôi nhận thấy nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, trong đó có sò lông. Bà con khai thác sò con quá nhiều. Nên tôi muốn nuôi sò nhằm giữ vùng biển xã Thuận Quý, để đời sau con cháu còn làm theo. Nếu không bảo vệ được sẽ cạn kiệt, nhờ các cấp giúp đỡ cho”. Cách viết chân thật, mộc mạc đã ngay lập tức gây sự chú ý đặc biệt đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên thời điểm lúc bấy giờ, chưa có một quy định nào về việc giao mặt biển cho ngư dân. Liệu rằng, nguyện vọng chính đáng của ngư dân có đặt đúng chỗ khi gửi lá đơn trên? Liệu rằng, những cán bộ, đảng viên của địa phương, của ngành thủy sản Bình Thuận có dám “xé rào”, “tiên phong mở đường” để mang lại lợi ích cho người dân? Gặp lại những người từng “xé rào” để giải quyết lá đơn cho người dân Thuận Quý, chúng ta sẽ hiểu hơn câu chuyện “việc gì có lợi cho dân thì phải làm bằng được”.

ngu-dan-3-.jpg
Ngư dân tái tạo nguồn lợi thủy sản là sò lông.

Tiên phong mở đường

Những tia nắng đầu ngày vừa ló dạng, vươn lên khỏi hải đăng Kê Gà, cũng là lúc hàng trăm thuyền, thúng của ngư dân các xã Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) bắt đầu vào bờ bán sản phẩm. Những vất vả, cực nhọc của đêm trắng bám biển được bù đắp bằng niềm vui cá, tôm đầy thúng.

Câu chuyện về “lá đơn” xin được giao vùng biển để nuôi sò lông một lần nữa được nhắc lại ở vùng biển này. Lá đơn vỏn vẹn trong 116 chữ, nhưng cách viết mộc mạc, chân thành và còn sai nhiều lỗi chính tả, đã gây ấn tượng đặc biệt đối với ông Lượng Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã. “Khi nhận lá đơn, tôi nghĩ giao ao hồ cho dân nuôi trồng thủy sản được, thì cũng giao biển cho người dân nuôi sò cũng được. Thế nhưng, bắt tay vào làm mới thấy pháp luật chưa có quy định. Bên cạnh đó, cũng không có đủ các điều kiện về tài chính để triển khai một dự án nào cho ngư dân thực hiện theo đúng mô hình nêu trên…”, ông Dũng chia sẻ.

Vì “không biết phải làm sao” nên lá đơn của ngư dân vẫn nằm lặng lẽ nơi ngăn tủ trong sự trăn trở của ông Dũng và cán bộ xã Thuận Quý suốt 3 năm. Cho tới năm 2011, ông Lý Bảo Thành, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận về với biển Thuận Quý. Những người cán bộ trẻ tâm huyết gặp nhau, cùng đau đáu trước một vùng biển xưa kia giàu cá tôm bao nhiêu thì nay hoang tàn bấy nhiêu, lá đơn được mang ra làm chủ đề của câu chuyện. Hành trình biến không thành có của những cán bộ dám vượt sóng mở đường đã bắt đầu từ đây. “Tôi đã xin pho to lá đơn cầm về báo cáo Đảng ủy, lãnh đạo Chi cục. Chúng tôi đều xác định đây là nhiệm vụ chuyên môn chức năng của mình, nhưng chưa có quy định, cũng chưa có mô hình nào trước đó để tham khảo học hỏi. Song chúng tôi quyết tâm phải tìm cách cho bằng được, chắc chắn phải có cách”, ông Lý Bảo Thành, Phó phòng Quản lý Nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận nhớ lại.

ngu-dan-2-.jpg
Ông Nguyễn Nùng bên những chài cá buổi sáng.

Trong hành trình này, các cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Thuận phải đối mặt với ba không: Không có quy định, không có mô hình chuẩn và không tiền. Thế nhưng họ vẫn bắt tay vào thực hiện nguyện vọng của người dân với động cơ thôi thúc: Việc gì có lợi cho dân thì phải làm, lời đã hứa với dân thì phải thưc hiện. Sau đó là những tháng ngày ông Thành và các đồng nghiệp làm việc không kể giờ giấc, những đêm thức trắng đọc hàng nghìn trang tài liệu nước ngoài tham khảo mô hình quản lý của Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời họ cũng lật tung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tìm các quy định liên quan làm căn cứ thực hiện. Tia sáng lóe lên khi họ tìm thấy một điểm chung đó là các chủ trương, chính sách trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng nước ven bờ đều tập trung vào một điểm: Gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng. “Chúng tôi tìm thấy 28 quy định liên quan để vận dụng. Nhưng khi căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, mình mạnh dạn làm như thế nó có đúng hay không, hoặc nó sai các quy định của pháp luật thì sẽ như thế nào? Liệu rằng là các cơ quan quản lý cấp trên họ đánh giá là ông có cầm đèn chạy trước ô tô hay không?”, ông Lý Bảo Thành - Phó trưởng Phòng Quản lý Nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận nhớ lại.

ngu-dan-9.jpg
ngu-dan-10.jpg

Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam và Chi cục Thủy sản đã luôn gần dân, bám cơ sở trong những ngày đầu thực hiện mô hình.

Quyết tâm thực hiện

Mặc dù đã tìm ra được hướng đi, thế nhưng để thực hiện được không phải là điều đơn giản. Những cán bộ thủy sản đã bao đêm thức trắng, vật lộn với từng con chữ, núi tài liệu, căng mình để tìm ra cách làm phù hợp nhất. Trong khó khăn bủa vây, đã không ít lần họ đã từng suy nghĩ bỏ cuộc. Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận đã chia sẻ rằng: “Đọc tài liệu thấy sao nó khó quá, mình nghĩ hay là thôi đừng làm nữa, chỉ cần trả lời với dân là chưa có quy định, chưa có hướng dẫn cách làm. Nhưng cứ nghĩ đó là trách nhiệm của mình. Người dân họ đề xuất đúng mục đích, mình không làm được cho họ, cảm thấy áy náy và có lỗi với dân”.

Cũng trong thời điểm này, ông Trần Ngọc Diệp, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam nay là Chủ tịch UBND huyện, đã tự bỏ tiền túi, thuê ghe ngư dân đi khảo sát khắp vùng biển Thuận Quý. Sau nhiều chuyến xuống biển, ông Diệp đã “chốt”: Làm! Nếu không làm, dân sẽ đói. Tinh thần đó đã củng cố quyết tâm của đội ngũ cán bộ ngành thủy sản. UBND huyện Hàm Thuận Nam chủ trì. Cả một hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc sát vai nhau dưới danh nghĩa thành viên Hội Nghề cá Bình Thuận. Hướng đi cũng đã được xác định: phải xây dựng mô hình đồng quản lý. Đồng thời phải tạo sinh kế cho bà con trong khi chờ nguồn lợi phục hồi. Bởi nó đáp ứng được mục tiêu: Không trái quy định của pháp luật và mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng ngư dân.

ngu-dan-8.jpg
Mật độ sò lông ngày càng dày hơn trên vùng biển Thuận Quý.

Lúc này, gánh nặng trọng trách lại được chuyển sang vai của đội ngũ cán bộ huyện Hàm Thuận Nam và xã Thuận Quý. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng làm với ngư dân. “Cán bộ đi trước làng nước theo sau”, bài học này họ thuộc nằm lòng, giờ là lúc vận dụng cho khéo léo. “Vận động lâu lắm, phải mất vài năm. Khi lòng dân đã thuận, bà con xin được vào hội cộng đồng. Họ không tiếc công, tiếc của, sẵn lòng đem tiền đổ biển cho nguồn lợi thủy sản hồi sinh”, ông Lượng Thanh Dũng - Chủ tịch UBND xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận kể nhẹ tênh, né chi tiết ông xin vợ hơn hai chục triệu đồng góp vào hội cộng đồng cách đây 10 năm.

“Cá bây giờ trú ngụ nhiều lắm. Trước đây, hải sản có giá trị cao biến mất. Giờ thì mực ống, tôm, ghẹ, vẹm…, thậm chí cả tôm hùm, đã trở lại. Người dân trước đây treo thúng, bán thuyền nay đều đã đi biển trở lại. Nguồn lợi thủy sản rất nhiều" - ông Nguyễn Nùng - Phó Hội trưởng Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thuận Quý cho biết.

Thành quả đạt được

Mất 4 năm, đến tháng 1/2015, “Mô hình đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam" được thí điểm với kinh phí tài trợ 48.000 USD của Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/ GEF SGP) cùng nguồn đóng góp ngư dân, UBND huyện Hàm Thuận Nam và Chi cục Thủy sản Bình Thuận. Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 16 km2 vùng biển ven bờ xã Thuận Quý trong thời gian 30 tháng, có sự tham gia của 50 hộ ngư dân. Hàng chục cội chà rạn, 112,4 tấn giống sò lông đã thả xuống biển để góp phần phục hồi nguồn lợi tự nhiên đã cạn kiệt.

Thế nhưng lúc bấy giờ, chính số tiền tài trợ khoảng 1 tỷ đồng từ UNDP/ GEF SGP và hơn 600 triệu đồng vốn đối ứng của ngư dân, UBND huyện Hàm Thuận Nam, quỹ hoạt động thường xuyên của Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tạo nên không ít sóng gió cho những người đứng mũi chịu sào. “Có lúc nghĩ sao mình liều quá. Với trách nhiệm người đứng đầu, mình kêu gọi một đội ngũ anh em theo mình để làm, lỡ có gì thì tương lai sự nghiệp của anh em ra sao? Nhưng mà cái khó đó chưa ăn thua gì so với những cái khó khi mình đưa ra ý tưởng và triển khai lại bị chính những người đồng đội, những người quản lý nghi ngờ. Tốn thời gian, tốn nhiều cuộc họp, và nó mệt mỏi lắm”, ông Huy cho biết.

Nhưng chấp nhận “vượt sóng” là chấp nhận rủi ro. Điều gì khiến đội ngũ cán bộ kiên tâm vượt qua nỗi sợ? Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận đã chiêm nghiệm: “Ý tưởng của dân có thể đi trước những quy định của Nhà nước. Người dân đưa ra ý tưởng và những người quản lý phải bằng mọi cách làm sao để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp vướng mắc về pháp luật thì chúng ta là những người quản lý phải tìm ra được những vấn đề nào có lợi nhất để cho những ý tưởng đó triển khai thành hiện thực. Chúng ta chỉ cần làm đúng và đừng bao giờ để lòng tham, sự cám dỗ của vật chất làm sai lệch mục tiêu ban đầu. Tôi hay nói với những đảng viên trong Đảng bộ của mình rằng: Nếu vì cái chung, vì lợi ích của tập thể, lợi ích của người dân chúng ta cứ mạnh dạn làm. Đó cũng chính là tinh thần của người đảng viên khi hứa trước cờ Đảng: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”.

Họ đã thành công. Từ một vùng biển hoang tàn, không có nguồn lợi nhuận, sau gần 3 năm thực hiện (2015 - 2017), mật độ sò lông đã đạt từ 15 - 20 con/m2. Trong khu vực dự án, những loại hải sản ven bờ khác như: cua, ghẹ, mực, cá… cũng sinh sôi, phát triển ngày một dày hơn. Đồng thời cũng từ mô hình thành công đầu tiên tại xã Thuận Quý cho đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này đối với 2 xã Tân Thành và Tân Thuận của huyện Hàm Thuận Nam, với gần 300 ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn 43 km2 biển ven bờ.

Có thể nói, câu chuyện biến những điều không thể thành có ở trên, không chỉ hồi sinh nguồn lợi thủy sản ven bờ dọc tuyến biển huyện Hàm Thuận Nam, mà còn mở ra tương lai bền vững cho nghề cá khai thác có trách nhiệm. Và thành công của mô hình này, một lần nữa minh chứng, dù ở thời kỳ nào, cũng cần những cán bộ “luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng”; khẳng định tinh thần trách nhiệm, mãi giữ trọn lời thề của người đảng viên đã hứa với Tổ quốc, với Nhân dân.

Đây là 1 trong 12 mô hình thành công nhất của Liên Hợp Quốc triển khai trên thế giới về hình thức bảo quản bảo vệ môi trường xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, dựa trên cơ sở thực tế tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu cách làm này, luật hóa thành một điều luật mới, điều 10 trong Luật Thủy sản năm 2017 và áp dụng thực hiện năm 2019 để triển khai rộng rãi trong cả nước.

Kỳ 2: Bệnh “sợ trách nhiệm” ở Bình Thuận

Kỳ 3: Lời thề Đảng viên và trách nhiệm “công bộc”

Kỳ cuối: Những “liều thuốc” mang tính quyết định

THANH NHÀN – KIỀU LINH


(1) Bình luận
Bài liên quan
Làm rõ nhiều thông tin liên quan tiến độ sân bay Phan Thiết
BTO-Đây là nội dung báo chí quan tâm và được thông tin tại hội nghị giao ban báo chí tháng 10/2024 vừa diễn ra do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Hội Nhà báo tỉnh, Sở thông tin và Truyền thông tổ chức.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” – cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 1