Theo dõi trên

Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” – cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 3

30/10/2024, 05:25

Kỳ 3: Lời thề Đảng viên và trách nhiệm “công bộc”

Bệnh “sợ trách nhiệm” ở Bình Thuận (Kỳ 2) đã nhìn nhận và phân tích nguyên nhân “gốc rễ” của tình trạng né tránh, đùn đẩy làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của tỉnh nhà, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước, do vậy phải khẩn trương được khắc phục. Đảng bộ, chính quyền Bình Thuận đã có những giải pháp gì để trị “căn bệnh sợ trách nhiệm” này?

Từ đợt sinh hoạt “Giữ trọn lời thề Đảng viên”…

Đảng bộ tỉnh Bình Thuận hiện có 463 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 248 đảng bộ cơ sở và 215 chi bộ cơ sở) với 41.782 đảng viên; trong đó, cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 370 đồng chí. Để chấn chỉnh tình trạng “sợ trách nhiệm”, trong thời gian qua, các ngành, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đưa ra nhiều biện pháp, cách làm quyết liệt. Một trong những giải pháp quan trọng để cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh tránh tình trạng “vo tròn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã phát động đợt sinh hoạt chính trị "Giữ trọn lời thề đảng viên".

z5989461125553_dd8fc03375fdc95af67e2e1261b463e9.jpg
Bình Thuận đã và đang đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm.

Đợt sinh hoạt chính trị đã đặt ra yêu cầu là mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, danh dự và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên cộng sản đối với lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước tổ chức và nhân dân, cụ thể: Đối với đảng viên giữ chức vụ sẽ xây dựng báo cáo tự rà soát, soi rọi, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu, thực hiện lời tuyên thệ gắn với kết quả thực hiện lời hứa của đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi được bổ nhiệm, ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội và hành trình tự soi, tự sửa của bản thân. Xác định những giải pháp để phát huy hiệu quả năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Đối với đảng viên không giữ chức vụ sẽ xây dựng báo cáo tự rà soát, soi rọi, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu, thực hiện lời thề và hành trình tự soi, tự sửa của bản thân. Xác định giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngay khi phát động, các chi, Đảng bộ trên địa bàn tỉnh đã nhiều cách làm sáng tạo, làm sâu sắc hơn cuộc sinh hoạt. Huyện Tuy Phong có “Giữ trọn lời thề đảng viên” gắn với hành trình về nguồn, huyện Đức Linh có “Lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân”, huyện Tánh Linh “Học gương tự tu, gặp người tự sửa, rèn mình tự soi”… Đợt sinh hoạt Giữ trọn thề Đảng viên không chỉ tác động rõ rệt tinh thần giúp nhau cùng biến bộ, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng tập thể, hết lòng hết sức vì việc chung, mà còn tái khởi động cơ chế “tự gột rửa”, “tự sửa mình” một cách sâu sắc. Mỗi Đảng viên đều “cả quyết sửa lỗi” bằng tinh thần cầu thị, quyết liệt, trách nhiệm. Dù tuổi đời, tuổi Đảng và ở những cương vị khác nhau, mỗi người đều ý thức trách nhiệm tự soi, tự sửa, tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện. Dễ nhận thấy đã giảm hẳn tình trạng ù lì “thôi kệ”, đùn đẩy né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đảng viên lão thành, Đảng viên có chức vụ nêu gương cho lớp Đảng viên trẻ và quần chúng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm với Đảng, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên tự rà soát, soi rọi, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, nhân dân khi được kết nạp Đảng, khi nhận nhiệm vụ do được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử...” thông qua triển khai đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên”.

Có thể nói, đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” thể hiện quyết tâm cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bình Thuận xác định tiếp tục tổ chức sinh hoạt “Giữ trọn lời thề đảng viên”, không dừng lại ở một “đợt sinh hoạt” mà duy trì trở thành “việc làm” thường xuyên, liên tục, hàng ngày của từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có thêm động lực mới để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có thêm “đề kháng” để vượt qua những cám dỗ tầm thường, thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên.

z5989462677806_00e523f3b28d47aae4d99bfe6230a063.jpg
Ở các chi, Đảng bộ trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia sinh hoạt " Giữ trọn lời thề Đảng viên".

Đến những giải pháp cấp bách và lâu dài

Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận, với 78 tổ chức cơ sở Đảng, đồng thời có số lượng đảng viên đông, nhiều đồng chí nắm giữ những chức vụ trọng trách của các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Bình Thuận. Mọi chủ trương, quyết sách, nghị quyết của Đảng gần như đều do cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Lực lượng này có ảnh hưởng rất lớn, lan tỏa trong hệ thống chính trị và trên tất cả lĩnh vực về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, trên thực tế còn tồn tại một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm… dẫn đến ảnh hưởng quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước thực trạng này, bà Lê Thị Hải Duyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối cho biết, để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc, điều đầu tiên phải giải quyết tốt bài toán về công tác tư tưởng. Phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, để cán bộ, công chức xác định rõ trách nhiệm của mình là công bộc của dân; loại bỏ tư tưởng “không làm - không sai”. Bà Duyên khẳng định: “Phải xác định rõ là cơ quan, đơn vị nào còn tình trạng “sợ trách nhiệm”, thì cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đó phải đưa ra các giải pháp để khắc phục, trong đó cần rà soát lại các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ và trách nhiệm công vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, trách nhiệm và cống hiến hết mình cho cơ quan, đơn vị. Phân công nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với khả năng, năng lực và sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức…”.

Tìm ra hướng xử lý dứt điểm tình trạng trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo nguyên tắc “một nhiệm vụ, một việc giao một đơn vị, một cá nhân chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành”. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần xác định, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu, người thực hiện công tác quản lý, điều hành. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; kiểm tra hoạt động công vụ, tác phong, lề lối làm việc… nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức, cá nhân có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng sợ trách nhiệm không dám làm. Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, vi phạm kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Ngoài ra, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, phát sinh tư tưởng làm việc “cầm chừng, phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gây cản trở đến sự phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Những “toa thuốc đặc trị” của Bình Thuận đang dần phát huy tác dụng trong quá trình chữa trị “căn bệnh sợ trách nhiệm”; tuy nhiên để trị dứt điểm căn bệnh trên, vấn đề “cơ chế và con người” vẫn là 2 yếu tố mang tính chất quyết định.

“Từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tiến hành rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo nguyên tắc “một nhiệm vụ, một việc giao một đơn vị, một cá nhân chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành…”- Tỉnh uỷ Bình Thuận yêu cầu.

Kỳ 1: Nghe tiếng dân bằng trái tim “công bộc”

Kỳ 2: Bệnh “sợ trách nhiệm” ở Bình Thuận

Kỳ cuối: Những “liều thuốc” mang tính quyết định

THANH NHÀN – KIỀU LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” – cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 1
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy mà công việc được thực hiện nhanh hay chậm, hiệu quả tốt hay xấu, người dân hài lòng hay bất mãn… phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ, trách nhiệm, tâm thế và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” – cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 3