Theo dõi trên

Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” - cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 2

29/10/2024, 05:19

Kỳ 2: Bệnh “sợ trách nhiệm” ở Bình Thuận

Nghe tiếng dân bằng trái tim “công bộc” trong kỳ 1 đã cho thấy, khi người cán bộ xác định mình là công bộc của nhân dân, biết lắng nghe tiếng dân bằng cả trái tim, giữ lời hứa với nhân dân bằng lương tâm và trách nhiệm. Họ sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và họ đã “vượt rào” với đích đến là lợi ích chính đáng của người dân. Và điều đáng suy ngẫm là không phải cán bộ, đảng viên nào cũng làm được những điều như thế. Bởi thực tế hiện nay, vấn đề “trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên vẫn đang là vấn đề “nóng” khi mà tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã và đang xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vậy thực trạng này ở Bình Thuận đang diễn ra như thế nào?

z5984337363068_b4de32b56293bcdcaeb2ed180c02ff20.jpg

Nhận diện...

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có diện tích 7.941,5 km2. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và 8 huyện). Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, đang trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Thành quả đấy, là sự kết tinh của tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và của từng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà.

Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vấn đề trách nhiệm được nhắc đến thường xuyên, thậm chí là vấn đề nóng của địa phương. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi biết đến những câu chuyện với nhiều uẩn khúc liên quan đến thủ tục hành chính và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết. Gần đây nhất, có một doanh nghiệp than phiền rằng, hiện nay dự án của họ chưa thể triển khai thi công, bởi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, dự án này thuộc diện được cấp phép và mọi thủ tục họ cũng đã đáp ứng xong. “Chúng tôi cũng đã gửi nhiều văn bản, đơn thư đến các sở, ban ngành liên quan để mong được hỗ trợ giải quyết sớm. Nhưng “trách nhiệm” như một quả bóng xoay tròn, sở, ngành này “đá” sang sở, ngành khác…Thời gian cứ thế kéo dài ra và chưa biết cụ thể khi nào sẽ được cấp giấy phép xây dựng, nên doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, vị lãnh đạo của doanh nghiệp này cho biết. Cũng có một số trường hợp, người dân có đầy đủ các điều kiện được chuyển đổi đất thổ cư nhưng do trên đất ấy có một ngôi nhà người dân xây dựng không phép, đã ở từ lâu. Nay Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu phải đập bỏ ngôi nhà đã xây trái phép, tức là trả lại hiện trạng lô đất ban đầu mới cho chuyển đổi sang đất thổ cư...

Trong khi đó, nhiều năm liên tục, các chỉ số đo lường về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); về cải cách hành chính (PAR Index); về quản trị và hành chính công; về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Bình Thuận thuộc nhóm thấp, có năm chỉ số đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Hoặc tình trạng giải ngân vốn đầu tư công lại một lần nữa nhắc lên 2 chữ “trách nhiệm”. Khi mà tính đến 15/7/2024, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.224,811 tỷ đồng, đạt 24,09% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là thấp hơn mặt bằng chung của cả nước… Thực trạng đó, đã tạo nên một “sức ì” cản trở sự phát triển của Bình Thuận trong thời gian qua.

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhận diện một số biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với lãnh đạo quản lý và cán bộ, đảng viên công chức không giữ chức vụ. Theo đó, đối với cán bộ quản lý, vấn đề thiếu trách nhiệm được đưa ra đó chính là không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, địa phương, đơn vị mình; không ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách; các vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ; các công việc nổi cộm, bức xúc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực đang công tác. Tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.

Đối với cán bộ, đảng viên công chức không giữ chức vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận diện các biểu hiện như, không tham mưu, giải quyết công việc không cụ thể, không rõ ràng, làm cho xong việc, kéo dài thời gian giải quyết công việc, “ngâm” việc, “chuyện dễ thì làm, khó thì bỏ qua”. Thiếu ý chí phấn đấu, thiếu động lực làm việc, không cầu tiến, an phận, sợ thực hiện việc khó, sợ sai hoặc lựa chọn những vị trí, lĩnh vực công tác “an toàn”, ít rủi ro, ít áp lực. Thụ động, không quyết đoán, trông chờ và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên hoặc dựa vào tập thể để quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cá nhân…

Nguyên nhân “gốc rễ”

Bình Thuận đã có một giai đoạn phải đối mặt với khủng hoảng về công tác nhân sự, khi mà hàng loạt cán bộ của tỉnh bị kỷ luật, thậm chí nhiều người vướng phải tù tội. Tất cả vụ việc, đều liên quan đến 2 từ “trách nhiệm”. Lúc này, câu nói “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa” trở thành phương châm hành động của không ít cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tại sao lại có những suy nghĩ trên? Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng: Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Chính tình trạng này đã dẫn đến việc giải quyết hiệu quả công việc chưa cao. Gọi đây là “hiện tượng”, ông Thông phân tích 2 nguyên nhân dẫn đến cán bộ sợ sai. Một là, văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Hai là, năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế. “Trong thời gian vừa qua, việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật và việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách (công chức, viên chức) chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Thông nói.

Từng được hỏi về việc trách nhiệm của mình trong công tác tham mưu ở thời điểm này, một cán bộ thuộc một sở trọng yếu trên địa bàn tỉnh cho biết: Quá nhiều những “rủi ro”, lo sợ giữa lằn ranh đúng – sai khi mà có rất nhiều “vùng xám” chồng chéo, rồi đến những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật. “Đối với Luật Đất đai hiện hành, có những quy định của luật rất vướng, nếu thực thi theo quy định của Luật Đất đai thì đúng nhưng chiếu theo quy định của Luật Đầu tư thì sai. Cũng vì sự chồng chéo này, chúng tôi khi tham mưu phải rất thận trọng, rà soát rất kỹ, và tâm lý cũng có phần lo ngại”, vị cán bộ này nói.

Trong khi đó, theo chia sẻ của một người đứng đầu một địa phương, thời gian vừa qua, nhất là sau khi cơ quan chức năng khởi tố, xét xử một số cán bộ nguyên chức và đương chức của tỉnh liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thì tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng. “Khi cơ quan Trung ương thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm, dẫn đến nhiều cán bộ quản lý bị xử lý theo pháp luật. Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của CBCCVC trong giai đoạn hiện nay. Nhiều cán bộ không an tâm làm việc, có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, nghi ngại, sợ sai trong quá trình nghiên cứu các quy định để thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với việc xử lý vướng mắc các hồ sơ công việc trước đây”, vị lãnh đạo này cho biết.

Và một trong những nguyên nhân nữa xuất phát từ chính CBCCVC. Đó là, năng lực, trình độ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu chức danh, yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng... dẫn đến thiếu tự tin, ngại việc khó, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Chung quy lại, dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì khi đã nhận trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; nhận lương, thưởng từ ngân sách, từ tiền thuế của dân mà lại có tư tưởng “né tránh, ngồi yên” là điều không thể chấp nhận được. Vậy, Bình Thuận sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên.

Quá nhiều những “rủi ro”, lo sợ giữa lằn ranh đúng – sai khi mà có rất nhiều “vùng xám” chồng chéo, rồi đến những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật.

Kỳ 1: Nghe tiếng dân bằng trái tim “công bộc”

Kỳ 3: Lời thề Đảng viên và trách nhiệm “công bộc”

Kỳ cuối: Những “liều thuốc” mang tính quyết định

THANH NHÀN - KIỀU LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuẩn bị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bình Thuận
Sở Nội vụ vừa có công văn gửi UBND TP. Phan Thiết và huyện Bắc Bình để chuẩn bị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính mới cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm” - cách làm từ Bình Thuận. Kỳ 2