Theo dõi trên

“Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận trong thời kỳ mới”

24/07/2024, 05:07

Xây dựng chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết trước mắt và vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Giá trị văn hóa gia đình, con người Bình Thuận

Dự thảo đề án nêu rõ, trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam, cộng đồng dân tộc ở Bình Thuận cũng được hình thành từ nguồn gốc nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, văn hóa cộng đồng làng xã mang tính ổn định và khép kín đã tạo ra mỗi con người trong một cộng đồng có mối quan hệ họ hàng, máu thịt, gắn bó chặt chẽ với nhau. Cùng với những biểu hiện của tinh thần tập thể làm gì cũng có nhau, tính dân chủ làng xã, tình yêu quê hương xóm làng và yêu đất nước, trọng thể diện, lòng biết ơn, chia sẻ, đoàn kết... góp phần hình thành nên các chuẩn mực giá trị văn hóa trong con người và gia đình ở Bình Thuận.

ec30a241-5f2a-4910-8163-0bcc67dc0aa6.jpeg
Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2024. Ảnh: N.Lân

Xuất phát từ truyền thống phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử; vị trí địa lý, môi trường tự nhiên, môi trường sống và nguồn gốc dân cư đã hình thành nên các giá trị về văn hóa trong tính cách, lối giao tiếp, ứng xử con người, gia đình ở Bình Thuận mang đậm đặc tính và hằng số chung của con người miền Trung và của quốc gia, dân tộc. Đó là các giá trị biểu hiện về tinh thần, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tiết kiệm, nghĩa tình, thủy chung, thân thiện, chất phác, hiếu thảo, lễ phép, hòa thuận, sẻ chia, tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau... hình thành nên hệ giá trị mang bản sắc văn hóa đặc trưng chung của người Việt Nam và vừa mang đặc trưng riêng của con người Bình Thuận, cho dù họ ở đâu, đến bất cứ nơi nào chúng ta cũng dễ nhận ra. Ngoài ra, con người Bình Thuận sống và lao động sản xuất đã chịu tác động sâu sắc của các yếu tố môi trường, điều kiện tự nhiên, đặc trưng lao động sản xuất, sinh kế, hoàn cảnh lịch sử - xã hội; quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc; nếp sống gia tộc, gia đình… đã hình thành nên các chuẩn mực mang nét đặc trưng văn hóa riêng gắn trong những nét chung vốn có của văn hóa dân tộc. Như tinh thần chịu khó trong lao động sản xuất; tinh thần yêu nước, anh dũng, bất khuất, kiên cường, không ngại hy sinh chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược được hun đúc và trở thành truyền thống cách mạng đáng được trân quý của nhiều thế hệ nối tiếp nhau; tinh thần hiếu học, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, khoan dung, phóng khoáng, trách nhiệm và trọng lễ nghĩa... Đó là những nhân tố mang giá trị văn hóa tinh thần quan trọng và cần phát huy, sinh sôi, nảy nở, lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương Bình Thuận bền vững trong thời gian tới.

48208c5f-6334-4d77-ae28-e41815ba5af6.jpeg
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị phản biện đề án.

Sự cần thiết của đề án

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nhận thức trong xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người và gìn giữ, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận chưa tương xứng với phát triển kinh tế; thụ hưởng văn hóa còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền, các tầng lớp nhân dân; đời sống tinh thần ở một bộ phận dân cư còn khó khăn, thiếu thốn. Xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh tuy được quan tâm nhưng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ số giúp cho người dân tiếp cận thông tin đa chiều... đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của con người. Vấn đề lớn cần quan tâm của Bình Thuận hiện nay là hiện tượng lệch lạc về chuẩn mực giá trị con người ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, các biểu hiện phi truyền thống văn hóa có dấu hiệu tăng dần. Thực trạng và xu hướng biến đổi các chuẩn mực giá trị văn hóa, gia đình con người Bình Thuận hiện nay là sự suy giảm, thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống; là sự mai một, phai nhạt, suy thoái một số giá trị vốn được coi trọng. Sự xuống cấp trong đạo đức học đường, trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ... đã làm ô nhiễm môi trường văn hóa của địa phương. Đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp nghiêm trọng đáng báo động, các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng, sức đề kháng của từng gia đình đã có sự yếu đi; sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn, xa hơn; việc gần gũi, yêu thương, quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa hơn…

Để địa phương phát triển bền vững, chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận giữ được các giá trị chân - thiện - mỹ, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc thì mỗi cá nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những tồn tại, hạn chế nêu trên. Do đó, xây dựng chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết trước mắt và vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Để dự thảo đề án hoàn thiện, đầy đủ hơn, mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức thành công hội nghị phản biện dự thảo “Đề án chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”. Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII; các chuyên gia, nhà nghiên cứu… đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ để phân tích, làm rõ nội dung đề án, nhằm phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và những kết quả đạt được trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận tương xứng và thật sự bền vững. Theo các đại biểu, đề án phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt trong chiến lược xây dựng tỉnh nhà, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đề án được ban hành sẽ tác động tích cực, có ý nghĩa to lớn, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng gia đình và con người Bình Thuận phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, xây dựng và hiện thực hóa những giá trị tốt đẹp.

THANH THUỶ


(1) Bình luận
Bài liên quan

Phản biện dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”
BTO-Sáng 15/7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” (gọi tắt đề án). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII; Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật; Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện MTTQ các huyện, thị xã, thành phố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận trong thời kỳ mới”