Theo dõi trên

Chùm khế rơi và phòng thờ tĩnh lặng

01/04/2022, 09:04

Đêm muộn cuối tháng 3 năm 2022, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh chuyển cho tôi chùm thơ ông vừa viết về ngày Đại thắng 30 tháng 4. Trước đó, từ Hà Nội ông gửi vào vùng biển phương Nam tặng tôi tập thơ CHỒI BIẾC vừa in xong trong tháng 3/2022 (NXB Văn học, 2022).

Ông tâm sự: “Những ngày này, vui vì đất nước không còn bóng quân thù, non sông liền một dải, Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển. Vui nhưng vẫn còn những món nợ chưa trả hết”. Với bài thơ “Chùm khế cuối mùa” Nguyễn Hồng Vinh viết để tưởng nhớ người anh trai liệt sĩ ra đi từ miền quê xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã phần nào bộc bạch tâm trạng và sự gửi gắm về “món nợ chưa trả hết”, tưởng nhớ hương hồn người anh hy sinh ở chiến trường miền Nam đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

5909.jpg

Chùm khế cuối cùng rơi trước sân

Lả tả lá vàng vương phòng thờ tĩnh lặng

Như thì thầm với anh tôi trong di ảnh:

Cũng tháng 3 năm xưa anh rời làng hành quân!

Người ta ví von “Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là lão nông tri điền”, bởi tuổi cao chí càng cao. Với CHỒI BIẾC, chủ yếu viết từ giữa năm 2021 tới đầu năm 2022, Nguyễn Hồng Vinh có không dưới vài ba chục bài thơ xúc động ca ngợi các lực lượng tuyến đầu chống đại dịch Covid-19, trong đó có hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ ra quân chống dịch, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân. Quả là sức viết sung mãn của một cây bút sắp bước vào tuổi bát thập. PGS TS Nguyễn Hồng Vinh - Ủy viên TW Đảng khóa VIII, khóa IX; Đại biểu Quốc hội khóa X, khóa XI; nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Chủ tịch Hội đồng LL PB Văn học Nghệ thuật Trung ương. Chức vụ cao, trọng trách lớn nhưng ngòi bút của Nguyễn Hồng Vinh không ngơi nghỉ. CHỒI BIẾC là tập thơ thứ 10 của ông, kể từ năm 2010. Ông viết khỏe, viết nhanh, tác giả 10 tập thơ và hàng trăm bài xã luận, bình luận, nghiên cứu.

Thơ của nhà báo, cây viết chính luận Nguyễn Hồng Vinh bám sát thời cuộc, chính kiến rõ ràng, truyền đến người yêu thơ thông điệp rành mạch về yêu ghét, phải trái, đúng sai. Thơ Nguyễn Hồng Vinh   giàu cảm xúc, yêu thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chim hót, lá vàng rơi, dòng sông quê hương, tình yêu đôi lứa, sự thổn thức của trái tim tuổi đôi mươi. CHỒI BIẾC là bức thông điệp nghĩa tình đồng đội. Kỷ niệm 47 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi nêu thêm một góc nhìn về chất lính – đồng đội - trái tim chiến sĩ – bộ đội Cụ Hồ nơi đảo xa, miền biên ải trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Nhà thơ, tiến sĩ truyền thông Nguyễn Hồng Vinh tâm tình, bày tỏ:

Tuổi thanh xuân ai cũng có cuộc lên đường

Người vượt Trường Sơn vào mặt trận

Người ra Trường Sa giữa bão giông, sóng cuộn

Người lên biên cương vời vợi đồi sim…

Vẫn hăm hở lên đường ra trận.

Để Tổ quốc mình mãi mãi bình yên

(Xanh mãi những cuộc lên đường)

Ca ngợi anh bộ đội một đời chinh chiến, Nguyễn Hồng Vinh viết tặng một đồng nghiệp – người lính:

Anh lên đường nhập ngũ

Mang theo hình bóng em

Cùng mái trường ẩn hiện

Rèn đúc anh thành danh

Cả một đời chiến chinh…

(Cánh chim không mỏi)

Quảng Trị anh hùng, mảnh đất kiên trung, nơi có giới tuyến tạm thời – vĩ tuyến 17, vùng chiến địa ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, Nguyễn Hồng Vinh xúc động nhớ về những người lính trận, hy sinh quên mình cho độc lập tự do của Tổ quốc:

Tháng tư về Quảng Trị lại lay thức trong tâm

Những Thành Cổ, Ba Lòng, Gio Linh, Đường Chín

Bao đồng đội tôi đã xanh trong đất

Có anh tôi mãi mãi không về…

Nghĩ về Quảng Trị hôm nay, hơn 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, con sông Bến Hải trở thành dòng sông hòa bình, uống nước nhớ nguồn, những câu thơ giàu khát vọng đổi mới của Nguyễn Hồng Vinh thốt lên từ trái tim:

Còn không ít gian nan Quảng Trị ơi!

Tình yêu quê hương đã là nguồn sức mạnh

Những người con nơi đồi sim nắng hạn

Đang miệt mài vẽ lại dung nhan

… Lan tỏa niềm vui và chắp cánh ước mơ!

(Quảng Trị trong tôi)

Ba Lòng là khu căn cứ kháng chiến nổi tiếng của chiến trường Quảng Trị - Bình Trị Thiên khói lửa từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược cho đến sau này. Nguyễn Hồng Vinh xúc động về cô gái giao liên dũng cảm ở căn cứ Ba Lòng. Gặp nhau chốc lát bên chiến hào rồi lại vội vã chia tay vào trận mới. Sau này, khi đất nước sạch bóng quân thù, tác giả CHỒI BIẾC trở lại Ba Lòng để tìm kiếm thì được biết em gái giao liên đã hy sinh:

Sông Ba Lòng ngày hạ ấy

Máy bay quần đảo trên đầu

Căn hầm chữ A chật hẹp

Chân chìm trong dòng nước dâng

Pháo từ Ái Tử dập dồn

Chặn đường tiến quân bộ đội

Quả đạn rơi sát miệng hầm

Em lấy thân mình che đạn!

(Cô giao liên ở Ba Lòng)

Chiến tranh đã lùi xa. Hàng triệu người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhiều anh hùng liệt sĩ – dù Đảng, Nhà nước, quân đội, các đồng đội đã hết sức cố gắng nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa tìm được mộ chí. Nguyễn Hồng Vinh có người anh trai ra trận và hy sinh ở chiến trường vẫn chưa biết nằm ở nơi nào, món nợ chưa trả được:

Cả đời anh chưa một ngày thanh thản

Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân

Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải

Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức thư cuối cùng!

(Anh nằm nơi nao?)

Đứng trên sân ga xe lửa, Nguyễn Hồng Vinh nhớ về những năm tháng tiễn người lính ra trận, vào Nam và cả lúc ngược biên ải phía Bắc, hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho khát vọng hòa bình của nhân dân:

Ngày xưa cùng sân ga này

Tiễn cha vào Nam cứu nước

Hào khí một thời trai trẻ!

Biên giới ầm vang tiếng súng

Em lại ra ga cùng anh

Hành quân vượt lên phía Bắc

Vị Xuyên đạn bom không ngớt…

(Vẫn sân ga này)

Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là vậy – Tiếng thương, tiếng yêu của Nguyễn Hồng Vinh cất lên tự đáy lòng, từ trái tim – nghĩa tình – uống nước nhớ nguồn. Nguyễn Hồng Vinh - U. 80 vẫn sải bước đi và viết theo sự rung động của trái tim trước cánh rừng Trường Sơn năm nào cũng như hôm nay những con sóng Trường Sa đang “níu chân ta”.

QUỐC TOÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (CVĐ) đã trở thành phong trào rộng lớn, khơi dậy và phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chùm khế rơi và phòng thờ tĩnh lặng