Hòn Cau với diện tích 140 ha, hiện vẫn còn giữ được nét hoang sơ với nhiều bãi cát trắng mịn với làn nước trong xanh. Nơi đây có 234 loài san hô, 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loại quan trọng và giá trị kinh tế cao như tôm hùm bông, tôm hùm đỏ, rùa xanh và đồi mồi. Thế nhưng, thời gian qua do khai thác hải sản không hợp lý cùng nhiều tác động khác, hệ động thực vật biển tại đây ngày càng suy kiệt. Thống kê cho thấy, khu vực Hòn Cau có 34 loài thủy sinh vật nằm trong danh mục quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó 1 loài ở mức độ cực kỳ lớn và 11 loài có mức độ rất lớn. Bên cạnh đó, vùng biển Tuy Phong nói chung và khu vực đảo Hòn Cau nói riêng còn là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản. Bắt đầu từ năm 2013, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phát hiện 10 cá thể rùa biển lên đảo sinh sản. Từ đó năm nào cũng có rùa biển lên đảo đẻ trứng, các thành viên khu bảo tồn đã bảo vệ và cho ấp nở thành công hàng trăm cá thể rùa con để thả về biển.
Tình nguyện viên tham gia bảo vệ môi trường biển Hòn Cau. |
Khu vực đảo Hòn Cau còn là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân, mặc dù Ban quản lý khu bảo tồn thường xuyên tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn một số đối tượng lén lút đánh bắt hải sản bằng nghề lưới tại khu bảo tồn, nên khi đến mùa sinh sản rùa thường bị mắc vào lưới của ngư dân. Do đó, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của bảo tồn biển, bảo vệ rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ trên đảo, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đang kêu gọi tình nguyện viên đến đảo cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Ban quản lý khu bảo tồn sẽ đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng để hỗ trợ, đồng hành cùng các thành viên của khu bảo tồn trong công tác bảo vệ rùa biển nói riêng và bảo vệ môi trường biển Hòn Cau nói chung.
Yến Phi đang chăm sóc, bảo vệ ổ trứng rùa biển. |
Chị Lưu Yến Phi – người được xem là “bà đỡ” của rùa biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết, mùa sinh sản của rùa biển tại đây thường kéo dài từ tháng 5 - 10 hàng năm. Thời điểm này, khu bảo tồn đang kêu gọi mọi người đến đảo tham gia chương trình tình nguyện bảo vệ rùa biển. Những người tham gia chương trình này có thể là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhân viên văn phòng, bộ đội, sinh viên, khách du lịch trong nước và ngoài nước, người dân địa phương… nhưng tất cả đều có điểm chung là cùng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng như rùa biển. Tuy nhiên việc tuần tra, bảo vệ rùa biển chủ yếu vào ban đêm nên công việc khá vất vả, đòi hỏi các tình nguyện viên phải thật sự đam mê và có sức khỏe tốt để thích ứng với điều kiện thiếu thốn cũng như khí hậu khắc nghiệt trên đảo.
“Năm nay chúng tôi sẽ chọn khoảng 40 - 50 tình nguyện viên trong số hơn 1.000 hồ sơ gửi về để tham gia chương trình bảo vệ rùa biển. Vào mùa tình nguyện, rất nhiều tình nguyện viên tràn đầy năng lượng và đam mê đến với đảo Hòn Cau để đồng hành cùng các nhân viên khu bảo tồn tham gia bảo vệ rùa biển và cải tạo môi trường sinh thái nơi đây. Cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không thể bỏ nghề mà mình đã chọn, tháng 6 này là mùa cao điểm rùa đẻ trứng sẽ có các nhóm tình nguyện viên ra giúp đỡ, ngoài được chia sẻ công việc, mọi người còn mang thêm nhiều niềm vui từ đất liền ra để tiếp thêm động lực cho chúng tôi” – Yến Phi rất háo hức khi nghĩ về mùa rùa đẻ trứng.
H.Trinh