Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) vừa tổ chức cho 300 em học sinh lớp 2 của trường tham quan và trải nghiệm thực tế tại tháp Pô Sah Inư Bình Thuận. Tại đây, học sinh rất hứng thú khi được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm và tham quan công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống này. Cô Hàn Thị Bích Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là hoạt động trải nghiệm thực tế nằm trong chương trình GDĐP nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của địa phương giúp các em nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Hoạt động trải nghiệm trong chương trình GDĐP được nhà trường triển khai 3 tiết/tuần theo từng chủ đề khác nhau phù hợp với học sinh. Không chỉ học lý thuyết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế và triển khai đến toàn thể phụ huynh, từ đó đã nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh. Theo đó, các hoạt động được nhà trường tổ chức như tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, nói chuyện về truyền thống lịch sử quân đội Việt Nam hay tổ chức các hoạt động hội chợ ẩm thực, hội thao... Thông qua các hoạt động, học sinh rất hứng thú, biết về lịch sử, văn hóa, những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước”.
Giáo dục địa phương là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm. Đối với cấp THCS và THPT nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Các địa phương sẽ căn cứ nhu cầu thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp cho địa phương mình.
Tại Bình Thuận đã biên soạn phát hành tài liệu GDĐP cho học sinh lớp 1,2, 6 theo chương trình GDPT 2018 và tổ chức tập huấn giảng dạy cho các giáo viên. Đến nay, chương trình GDĐP lớp 1,2 và 6 được các trường học triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, đảm bảo chương trình đề ra. Theo đó, nội dung được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, các trường lựa chọn chủ đề thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục trải nghiệm, dự án học tập tích cực gắn với tình hình kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hóa địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của tỉnh.
Theo Sở GD&ĐT, bên cạnh những mặt đạt được việc triển khai chương trình GDĐP hiện nay gặp khó khăn trong việc biên soạn tài liệu, giáo trình, tư liệu vật chất lại phụ thuộc vào năng lực của giáo viên, điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, do đặc thù vùng miền nên việc tổ chức các hình thức dạy học sẽ kém phong phú, việc dạy học giáo dục địa phương tại thực địa hay việc ứng dụng công nghệ thông tin ít các trường tổ chức thực hiện. Việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích... Mặt khác, hiện đã bước sang học kỳ II năm học 2022 - 2023 nhưng việc cung cấp tài liệu GDĐP cho lớp 3, 7, 10 chưa phát hành đã ảnh hưởng đến việc triển khai dạy học chương trình GDĐP. Nguyên nhân, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt nhưng chưa phát hành được do đang vướng các bước đấu thầu, thẩm định giá... Hiện các cơ sở giáo dục trong tỉnh đề nghị cần sớm phát hành tài liệu GDĐP năm học 2022 - 2023 để các trường tổ chức dạy học đảm bảo thời lượng theo quy định.