Theo dõi trên

Chương trình hành động 67-CTr/TU: Tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

25/09/2023, 06:04

Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, cùng với các loại hình giao thông khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển giao thông vận tải đường sắt của quốc gia.

Đó là mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động số 67-CTr/TU, ngày 31/8/2023 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) ban hành để thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

171t1.jpg
Đoàn tàu Thống Nhất trên hành trình Bắc - Nam.

Xuất phát từ thực tế…

Tỉnh Bình Thuận có đa dạng các loại hình giao thông. Riêng về loại hình giao thông vận tải đường sắt, trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh) đi qua với tổng chiều dài gần 175 km qua địa bàn 6 huyện. Ngoài ra, còn có tuyến nhánh đường sắt từ Ga Bình Thuận đến Ga Phan Thiết với chiều dài gần 10 km qua địa bàn các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết, phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa cho tuyến đường sắt Sài Gòn – Phan Thiết. Ngoài ra, toàn tỉnh có 176 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đặt ra nhiều vấn đề về an toàn giao thông. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành các địa phương luôn xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt. Tỉnh cũng đã tham gia góp ý để Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp với ngành đường sắt di dời Ga Phan Thiết (cũ) từ nội thành ra ngoại thành thành phố Phan Thiết; đã đầu tư xây dựng 1.937 m đường gom, xóa bỏ 3 lối mở tự phát qua đường sắt; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: Hạ tầng giao thông đường sắt còn lạc hậu; một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt còn hạn chế, tình trạng người dân tự ý mở đường mòn, lối qua đường sắt vẫn chưa được xử lý có hiệu quả; số vụ tai nạn giao thông đường sắt vẫn còn diễn ra. Quy hoạch liên quan đến phát triển giao thông đường sắt còn thiếu tính kết nối, chưa đồng bộ. Thị phần, sản lượng vận tải đường sắt ngày càng giảm sút. Nhận thức của một bộ phận người dân về an toàn giao thông đường sắt chưa đầy đủ, còn chủ quan, lơ là…

ga-binh-thuan.jpg
Ga Bình Thuận là một ga chính trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

… để hành động

Từ thực trạng nêu trên, căn cứ nội dung Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ quan điểm trong Chương trình hành động, đó là: Thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế… Cùng với đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động là: Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, cùng với các loại hình giao thông khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển giao thông vận tải đường sắt của quốc gia. Và mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; trong đó, ưu tiên hoàn thành công tác đền bù, thu hồi đất để đủ điều kiện khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030 đối với tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang (đoạn qua địa bàn tỉnh); Đến năm 2030: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiến hành cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong quá trình phát triển giao thông vận tải đường sắt trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, góp ý với cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt theo thẩm quyền của địa phương. đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường sắt. Chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch và các tuyến đường giao thông kết nối với các tuyến, ga đường sắt, tạo ra không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả trong khai thác vận tải đường sắt, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền bù, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án đường sắt và công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quá trình quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án; công tác giải phóng mặt bằng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh…

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Phải thông báo công khai các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài đã bị xử lý
BTO-Để tiếp tục thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 21/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng ký văn bản yêu cầu Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thực hiện một số nội dung.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình hành động 67-CTr/TU: Tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh