Theo dõi trên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP: Bình Thuận đang đi đúng hướng

20/09/2022, 05:41 - Lượt đọc: 966

Mới đây, tại Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận đã khai trương để hưởng ứng “Tháng tự hào hàng Việt”. Sự kiện này càng thêm khẳng định chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh đang đi đúng hướng chỉ sau 2 năm triển khai, dù còn nhiều khó khăn.

Sản phẩm OCOP có chất lượng

Sau khi có Quyết định 490 ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1520 phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Như vậy, năm 2019, tỉnh ta mới bắt đầu thực hiện các bước đầu tiên triển khai chương trình OCOP. Đến năm 2021, tỉnh công nhận thêm 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là 70 sản phẩm (năm 2020 có 56 sản phẩm) và 10 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP. Những sản phẩm này là những sản phẩm đặc sắc, gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Trong 2 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) đã phối hợp Sở Công Thương thông tin, vận động và tổ chức cho các chủ thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời các chủ thể chủ động, liên kết với nhau đăng ký tham gia chương trình hội chợ, triển lãm tại một số tỉnh, thành như: An Giang, Phú Quốc, TP.HCM, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Sơn La, Gia Lai, Bình Định, Hà Nội...

z3707915884372_9301576051681caa72e39b074cc03cef.jpg
Sản phẩm OCOP - đặc sản Bình Thuận được trưng bày tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết

Bên cạnh đó, Chi cục PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ và xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Phan Thiết (41 Võ Văn Kiệt và 155A Nguyễn Thông), nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng, đặc sản của tỉnh đến người dân Phan Thiết và khách du lịch. Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị Coopmart của tỉnh; đưa các sản phẩm giới thiệu và quảng bá trên trên web sanphamdiaphuong.com.vn; htx.cooplink.com.vn (của Tổ công tác 970); sanocop.vn và đăng tin trên Báo Nông nghiệp online... Nhờ đó, các sản phẩm OCOP trong tỉnh được nhiều khách hàng gần xa biết đến nhiều hơn như gạo Đức Lan, nước mắm, rong nho, thanh long sấy khô, rượu vang…

z3527091924041_c436017a8c3fad3a305f85d34083014a.jpg
Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo ý kiến của các địa phương, rất nhiều sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP, tuy nhiên đa số các sản phẩm này đều là mặt hàng tươi, không phải là các sản phẩm chế biến hoặc chế biến sâu. Mặt khác, với chủ trương, triển khai chương trình OCOP đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, phô trương, làm theo phong trào, thì chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận đang thực hiện đúng hướng, không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, có tính khuyến khích, vận động các chủ thể tập trung vào khâu chế biến sâu để tăng giá trị sản xuất.

Quy mô còn hạn chế

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai chương trình, khả năng mở rộng quy mô còn hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn, liên tục. Không chỉ vậy, sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản giá trị gia tăng thấp. Nhìn chung các hoạt động liên quan đến sản phẩm OCOP tại Bình Thuận đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghệ chế biến còn đơn giản, lạc hậu. Các chủ thể còn khá thụ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số…

Để giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phát triển mới 30 – 40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Tăng cường và phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm cũng như phấn đấu đến năm 2030 có 5 - 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, các sở, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm OCOP ở 2 điểm bán vừa xây dựng, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Sử dụng sản phẩm OCOP phù hợp làm quà tặng trong các hoạt động đối ngoại và các sự kiện các cấp. Ngoài ra, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, qua đó có hợp đồng thu mua các sản phẩm từ các chủ thể, tạo chuỗi liên kết bền vững, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm OCOP. Đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... Đặc biệt, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử...

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ có 156 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; 100 chủ thể có sản phẩm công nhận OCOP 3 sao trở lên. Số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định là 30%.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là một giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP: Bình Thuận đang đi đúng hướng