Theo dõi trên

Khi nông dân cùng tham gia chuyển đổi số

19/09/2022, 05:23

Hiện nay, có không ít hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang làm chủ tư liệu sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp không những được nâng cao về chất lượng, đa dạng kênh tiêu thụ mà tư duy sản xuất của người nông dân cũng bắt kịp xu hướng của thời đại.

Tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh

Cách đây vài năm, máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật còn khá xa lạ với nông dân huyện Đức Linh. Thế nhưng giờ đây, trên các cánh đồng như Vũ Hòa, Nam Chính, Võ Xu… máy bay không người lái đã xuất hiện, làm thay nhà nông nhiều công đoạn trong sản xuất nông nghiệp.

hinh-chuyen-doi-so-2.jpg

Đầu tháng 9, anh Trần Đình Thảo (thôn 4, xã Nam Chính, huyện Đức Linh) liên tục nhận được những cuộc điện thoại gọi để đặt lịch phun thuốc. Sau khi tiếp nhận những cuộc gọi xong, người nông dân này đã lên lịch bay, gom những thửa ruộng cùng tuyến đường để thuận tiện cho lịch trình phun thuốc của mình. Anh Thảo cho biết, để hoàn thành một vụ mùa, người nông dân phải trải qua rất nhiều lần phun thuốc. Nhưng hiện nay thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người nông dân, do vậy nhu cầu phun thuốc bằng máy đã xuất hiện. Nhận thấy nhu cầu này, anh cùng người em của mình đã mua một chiếc máy bay phun thuốc, vừa phun dịch vụ vừa dùng cho 2 ha lúa của gia đình. Theo anh Thảo, ưu điểm của máy bay phun thuốc là tiết kiệm 20-30% thuốc, không giẫm lúa, mà còn phun đều, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và đặc biệt là ít ảnh hưởng đến sức khỏe người phun.

Còn tại các trang trại nho, dưa lưới, thanh long... trên địa bàn tỉnh, cũng đã có rất nhiều hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp số vào canh tác. Chẳng hạn như trang trại Bình An (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) có diện tích trên 100 ha, trồng 3 loại cây chính là thanh long, nho và dưa lưới. Với diện tích lớn, tuy nhiên nhân công lại không nhiều, thay vào đó là các thông tin dữ liệu về nước, bón phân, độ ẩm hay cảnh báo về dịch bệnh đều được cập nhật đến người quản lý thông qua hệ thống phần mền quản lý trồng trọt tự động. Quản lý trang trại này cho biết, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, sẽ tiết giảm được chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang dần được các tổ chức, người nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Các lĩnh vực được áp dụng chuyển số nhiều như là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… Trong đó, đáng chú ý ở lĩnh vực trồng trọt đã ứng dụng công nghệ IOT, thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm nhật ký điện tử; viết nhật ký điện tử bằng phần mềm 4.0… Với vai trò cầu nối để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như tổ chức các lớp tập huấn trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tham gia vào tiến trình chuyển đổi số với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Đưa nông sản lên sàn điện tử

Áp dụng chuyển đổi số không chỉ ở trong lĩnh vực sản xuất mà hiện tại đã có nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, tận dụng các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, các cá nhân, tổ chức đã quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của mình.

Tốt nghiệp đại học tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng lại nặng tình với nghề nông, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã về quê ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh lập nghiệp bằng mô hình nuôi ốc bươu đen. Để mô hình thành công, anh Nhơn đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, cũng như áp dụng các công nghệ mới vào trang trại của mình. Ngoài ra, anh Nhơn chủ động thiết kế trang wed để tăng cường quảng bá hình ảnh của trang trại mình trên mạng xã hội. “Có thể nói từ khi đẩy mạnh công tác truyền thông bằng công nghệ hiện đại thì việc sản xuất cũng như kinh doanh tại trang trang trại ổn định hơn. Nhiều người biết đến sản phẩm của mình và liên hệ để mua sản phẩm. Hiện tại trang trại có hơn 1.000 khách hàng ở các tỉnh lân cận và khu vực miền Tây" anh Nhơn cho biết.

Cũng là việc đưa nông sản lên sàn điện tử, các hợp tác xã thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam như Hòa Lệ, Thuận Hòa và Hàm Minh đã được hướng dẫn và thử nghiệm ứng dụng livestream trên nền tảng Facebook để giới thiệu và quảng cáo sản phẩm thanh long Bình Thuận đến với người tiêu dùng trên Internet. Qua những buổi livestream chân thực từ vườn thanh long đến dây chuyền sản xuất, các hợp tác xã đã có dịp được chia sẻ những hình ảnh về trái thanh long tươi và các sản phẩm được chế biến từ thanh long. Đồng thời khẳng định chất lượng đạt chuẩn, minh bạch về lộ trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cách làm trên đã nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 trang Web hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để điện tử hóa các sản phẩm nông nghiệp thương mại nhằm tăng đầu ra cho sản phẩm của mình. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội mới cho bà con nông dân trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Đồng thời, tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận được với nguồn nông sản sạch và chất lượng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng có thể nói chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự nhiều và đậm nét. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm dẫn dắt người nông dân tham gia quá trình chuyển đổi số. Và hơn lúc nào hết, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đặc sản Bình Thuận giới thiệu tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế
BTO- Công ty TNHH MTV hải sản Phan Thiết là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh đưa đặc sản Bình Thuận tham gia gian hàng Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 (AgroViet 2022) diễn ra từ 15 - 18/9 tại Hà Nội.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nông dân cùng tham gia chuyển đổi số