Tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển các nước để khai thác, thu mua hải sản đã giảm so với trước. |
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Tính đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 6.939 tàu cá, trong đó tàu cá công suất từ 90 CV trở lên có 3.118 chiếc (chiếm 44,7%), riêng tàu đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa là 1.248 chiếc. Trong số tàu cá xa bờ, nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài được xác định là nghề câu khơi, nghề lặn của thị xã La Gi và huyện Phú Quý, nghề dịch vụ thu mua của Phú Quý. Vì thế, các ngành, địa phương liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước; phổ biến các quy định, hình thức xử lý vi phạm của một số nước trong khu vực; công khai xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, tình trạng tàu cá nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác, thu mua hải sản vẫn diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Trước tình hình trên, ngày 16/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30 về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch, liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, thường xuyên mở cuộc họp đánh giá, giao nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu từng ngành, địa phương khẩn trương rà soát, triển khai nghiêm túc. Từ đó, các địa phương có biển, nhất là thị xã La Gi, huyện Phú Quý và các ngành chức năng như: Biên Phòng, Công an, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực, chủ động và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nhất là tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ra quyết định loại 16 tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa, trong đó có 10 tàu cá do chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, 6 tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản tại địa phương…). Nhờ vậy đã tạo chuyển biến quan trọng về mặt nhận thức đối với tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân khi khai thác hải sản xa bờ.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá
Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ/7 tàu/51 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, Thái Lan bắt giữ 2 vụ/4 tàu cá/29 ngư dân; Malaysia bắt giữ 2 vụ/2 tàu cá/14 ngư dân; Indonesia bắt giữ 1 vụ/1 tàu cá/8 ngư dân. Cuối tháng 2/2018, Đồn Biên phòng Phú Quý còn phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá tại huyện Phú Quý chuẩn bị đi khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục điều tra đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép. Đặc biệt, từ 1/5/2018 đến ngày 12/6/2018, toàn tỉnh không phát hiện thêm tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hiện nay, tỉnh đã đề ra mục tiêu từ 1/5/2018 trở đi chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp và các sở, ngành có liên quan trong quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến, ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến; bắt buộc tàu cá hoạt động trên vùng biển xa phải phải bật máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh 24/24 để cơ quan chức năng kiểm soát. Tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và Trạm bờ nhằm nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin và sự cố trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Lê Phúc