Lúa bị thiệt hại do hạn hán tại Bình Thuận. |
Giảm năng suất do hạn hán
Từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15 - 30% so với trung bình nhiều năm. Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa là ba tỉnh bị hạn nặng.
Tổng diện tích xuống giống toàn vùng vụ đông xuân 2015 - 2016 toàn vùng DHNTB và Tây Nguyên là 292.380 ha, giảm 20.344 ha; năng suất ước đạt 61,5 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.798 ngàn tấn, giảm 129 ngàn tấn so với đông xuân 2014 - 2015. Trong đó, nguyên nhân giảm năng suất do tình hình hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 18.475 ha lúa làm giảm năng suất.
Tại Bình Thuận, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, do ảnh hưởng mạnh El Nino, các hồ chứa nước trong tỉnh chỉ tích trữ được lượng nước từ 40 - 60% so với thiết kế, mực nước ngầm thiếu hụt trầm trọng, không đủ lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Ngoài cắt giảm 15.423 ha không bố trí sản xuất, tại các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc và Đức Linh… đã có một số cây trồng bị thiệt hại nặng. Nếu nắng hạn kéo dài, dự kiến khoảng 22 ha lúa nằm ngoài kế hoạch sản xuất tại TP. Phan Thiết; 700 ha mía huyện Hàm Tân và nhiều diện tích cao su, thanh long, tiêu, điều… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chuyển đổi để đối phó
Để tiết kiệm trong sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn tỉnh đã chuyển 5.795 ha đất lúa sang trồng 2.822 ha bắp; 238 ha đậu phộng; 865 ha rau các loại; 1.298 ha đậu các loại… tập trung tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. So với kế hoạch, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa năm 2016 đạt 93,5 %. Bên cạnh, một số địa phương không triển khai được do thiếu nước, những nơi khác đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nguồn nước tưới. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa phần nào khắc phục tình trạng thiếu nước trong vụ đông xuân. Các nhóm cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nước ít cũng được địa phương khuyến khích phát triển như nhóm rau, đậu, nhóm thức ăn chăn nuôi.
Về hướng sản xuất trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên đất lúa vụ hè thu (chủ yếu tại huyện Tánh Linh và Đức Linh). Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa các chủng loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, ít sử dụng nước để đưa vào sản xuất. Giải pháp lâu dài là chuyển đổi cơ cấy cây trồng gắn liền với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với định hướng kinh tế thị trường; gắn chặt giữa sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho nhiều loại cây trồng chủ yếu của tỉnh. Sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cấp nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Sớm xây dựng các hồ chức nước thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho vùng khô hạn… Đây cũng chính là những nội dung mà Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý tại hội nghị đối với Bình Thuận nói riêng và các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên nói chung trong tình hình hạn hán hiện nay.
Kiều Hằng