Theo dõi trên

Chuyển đổi cây trồng phù hợp trên đất kém hiệu quả

07/07/2020, 09:55

BT- Trên địa bàn nông thôn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp trên đất kém hiệu quả, tiết kiệm nước. Cách làm này đã và đang được Trung tâm Khuyến nông (trung tâm) hỗ trợ triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều nông dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế hộ…

                
Mô hình trồng rau ăn quả ở Hàm Thuận Nam.

Từ nhiều năm qua, với những đất lúa kém hiệu quả, trung tâm đã hướng dẫn bà con nông dân về quy trình kỹ thuật, bón phân để chuyển đổi hàng trăm ha sang mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu đông xuân (trồng bắp, mè, đậu phộng, ớt, đậu bắp…), hoặc chuyển hẳn sang trồng cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi ở những nơi thích hợp. Điển hình như vụ đông xuân vừa qua, người dân xã Bắc Ruộng (Tánh Linh) đã chuyển đổi 250 ha đất lúa vụ đông xuân sang trồng bắp lai, đậu phộng, đậu các loại cho hiệu quả tăng hơn 1,5 lần so trồng lúa. Cũng ở Tánh Linh, tại các xã Đồng Kho, La Ngâu, Suối Kiết, Gia An mô hình thâm canh 40 ha cây đậu bắp trên đất kém hiệu quả theo liên kết chuỗi đã cho lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng/ha; trồng đậu bắp Nhật vụ đông xuân lợi nhuận gấp 2,64 lần so cây bắp lai cùng vụ.

Cũng cách làm trên kết hợp tưới tiết kiệm, mô hình trồng ớt hơn 10 ha ở thị trấn Lạc Tánh, xã Đồng Kho (Tánh Linh) và Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) năng suất bình quân 39,5 tấn/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha. Lượng nước tiết kiệm khoảng 50% so tưới tràn truyền thống. Cách tưới nước tiết kiệm cũng được ứng dụng trồng thí điểm cây xoài, thanh long, cây rau ở xã Tân Hà (Hàm Tân), Hàm Minh, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam). Rau ăn quả cho năng suất 20 - 25 tấn/ha, tăng hơn 13% mùa vụ trước; sau khi trừ chi phí lợi nhuận tăng hơn 36% so trồng rau sử dụng hoàn toàn bằng phân hóa học. Tương tự, rau ăn lá đạt 15 tấn/ha, lãi tăng 25%... 

Trong khi đó, thông qua nguồn kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan và nguồn sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, trung tâm đã chuyển giao 507 ha canh tác lúa theo phương pháp SRI (canh tác lúa thân thiện môi trường, hiệu quả), tiết kiệm 40 - 50% lượng giống, tiết kiệm 30% nước tưới. Giá trị lúa đem lại gấp 1,3 lần so trồng đại trà.

Tại các xã thiếu thốn nguồn nước như Sông Lũy, Bình Tân (Bắc Bình), Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, Chí Công (Tuy Phong), trung tâm đã hướng dẫn bà con thực hiện mô hình trồng 64 ha cỏ cao sản VA06 kết hợp tưới tiết kiệm phục vụ chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả. Lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn 10 lần so trồng lúa trước đó tại các xã trên; lượng nước tưới tiết kiệm 50%.

  Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng chương trình khuyến nông ở một số cây công nghiệp như thâm canh và cải tạo vườn điều năng suất cao, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất thay các giống thoái hóa, hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân hợp lý cho điều để tăng thu nhập.

Trong hội thảo giới thiệu một số mô hình hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng sản xuất trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho hay, những mô hình trên sẽ được khuyến khích mở rộng diện tích phù hợp ở các địa phương toàn tỉnh trong các mùa vụ sản xuất tới, phát huy hiệu quả tiến bộ kỹ thuật trên lĩnh vực nông nghiệp, tiết kiệm nước phù hợp điều kiện khô hạn của tỉnh.

    
      Vụ đông xuân vừa qua, người dân xã Bắc Ruộng, Tánh Linh đã chuyển đổi   250 ha đất lúa vụ đông xuân sang trồng bắp lai, đậu phộng, đậu các loại   cho hiệu quả tăng hơn 1,5 lần so trồng lúa.

Thụy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi cây trồng phù hợp trên đất kém hiệu quả