Khuyến khích người dân đào ao tích nước |
Nguồn nước trong tỉnh thiếu hụt trầm trọng
Nguồn nước thủy lợi chỉ còn 1/4:Đến giữa tháng 4/2016, lượng nước tích trữ ở các hệ thống công trình thủy lợi trong toàn tỉnh chỉ còn 54,38 triệu m3/216,6 triệu m3 theo dung tích thiết kế, đạt 25,11%. Với lượng nước còn lại này sẽ được ưu tiên phục vụ sinh hoạt cho người dân và nước uống cho gia súc gia cầm.
Nguồn nước thủy điện: Lượng nước còn lại tại hồ thủy điện Đại Ninh rất thấp với 31,25 triệu m3/251,73 triệu m3 theo dung tích thiết kế đạt 12,4%. Riêng hồ Hàm Thuận lượng nước còn lại có khá hơn, với 213,732 triệu m3/522,5 triệu m3 theo dung tích thiết kế, đạt 40%.
Nguồn nước mặt, nước nhỉ, nước ngầm:Hiện tại lượng dòng chảy trên các lưu vực sông, suối, nguồn nước nhỉ tại các công trình thủy lợi vùng miền núi trên toàn tỉnh đã cạn kiệt. Mực nước ngầm hạ thấp, khó khăn trong việc khai thác sử dụng nguồn nước thô từ giếng khoan phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hai phương án cho sản xuất Hè thu và vụ Mùa
Trước tình hình nắng hạn diễn biến gay gắt, khó lường, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh 2 phương án sản xuất vụ Hè thu và vụ Mùa theo hướng không mưa và có mưa trong thời gian tới.
Nếu không mưa (phương án 1):Đối với khu vực đồng bằng sông La Ngà (huyện Tánh Linh, Đức Linh) sau khi cân đối nguồn nước của thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi sẽ bố trí sản xuất Hè thu 2016 là 7.500 ha, trong đó Tánh Linh 3.800 ha và Đức Linh 3.700 ha. Tuy nhiên cần lưu ý rà soát cân đối thật kỹ nguồn nước từ thủy điện về hạ lưu để bố trí kế hoạch gieo trồng đến từng cánh đồng, theo từng công trình thủy lợi, bố trí gieo trồng đến đâu phải bảo đảm nguồn nước đến cuối vụ để hạn chế thiệt hại. Những vùng cao thiếu nước, sản xuất bấp bênh thì tập trung chuyển sang cây trồng cạn để bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Những vùng xa nguồn nước, không đủ nước tưới thì không bố trí sản xuất để hạn chế thiệt hại cho người dân.
Đối với các địa phương: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi, Phan Thiết không bố trí sản xuất vụ Hè thu 2016 trong hệ thống thủy lợi do không đủ nguồn nước tưới. Đối với các cây ngắn ngày khác chỉ được sản xuất ở những nơi chủ động, bảo đảm được nguồn nước tưới. Tuy nhiên phải hết sức cân nhắc, tính toán, nếu sản xuất không hiệu quả thì nên dừng sản xuất hoàn toàn, nhằm giảm tối đa thiệt hại cho dân. Riêng vụ Mùa 2016, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về sản xuất, khi có mưa, đủ nguồn nước tổ chức gieo trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Tổ chức nhân dân nạo vét, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước. Hướng dẫn các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Khuyên cáo người dân chuẩn bị sẵn các máy bơm di động, máy bơm dã chiến để sẵn sàng ứng phó kịp thời trong mọi tình huống thiếu nước xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ thi công tu sửa công trình, cống lấy nước, trạm bơm tưới, nạo vét kênh mương từ nguồn vốn nước thô, vốn cấp bù thủy lợi phí, vốn khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn trong kế hoạch đầu tư năm 2016.
Khi có mưa, đảm bảo ngườn nước (phương án 2):Đối với cây hàng năm như lúa, bắp, rau, đậu… thì UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai xuống giống theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp. Lưu ý nên kết thúc gieo sạ vụ Hè thu trước ngày 10/6 để không ảnh hưởng thời vụ vụ mùa. Các huyện Đức Linh, Tánh Linh tiếp tục gieo trồng các diện tích còn lại.
Các địa phương lưu ý bố trí gieo trồng đến đâu phải cân đối tính toán đảm bảo nguồn nước đến cuối vụ, không gieo trồng tràn lan. Diện tích nào sản xuất lúa bấp bệnh, xa nguồn nước thì hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn. Đối với cấy công nghiệp dài ngày, cây lâu năm thì tập trung chăm sóc và xuống giống khi có mưa.
Cần chuyển đổi cây trồng và có thêm nhiều công trình nước
Về lâu dài, cần rà soát lại các quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở gắn quy hoạch thủy lợi để thích ứng tình hình hạn hán; xây dựng kế hoạch chống hạn từ nay đến hết năm 2016 và kế hoạch chống hạn năm 2017. Mặt khác phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm để sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp PTNT đẩy nhanh tiến độ công trình hồ Sông Lũy để tạo nguồn cấp nước chống hạn cho khu vực phía Bắc tỉnh. Kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư hồ La Ngà 3; trước mắt cho nâng cấp đập dâng Tà Pao, mở rộng kênh chính Tà Pao vào hồ Biển Lạc, hỗ trợ kinh phí hoàn thiện kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân; xây dựng kênh tiếp nước Hàm Tân - Hàm Thuận Nam - La Gi, hồ Ca Pét để phục vụ công tác chống hạn ở khu vực phía Nam tỉnh trong lâu dài.
Thế Nam