Theo dõi trên

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Xu thế tất yếu - giải pháp đột phá. Bài 1

28/06/2023, 07:46

Bài 1: Lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp

Chuyển đổi số là xu thế cũng là yêu cầu tất yếu, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ, đang nắm bắt rất nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp nhiều rào cản và thách thức.

Thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh, nông nghiệp là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển nền tảng số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm…

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hiện nay một số nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại Bình Thuận đang là lực lượng tiên phong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó kết nối thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Đây là những hợp tác xã kiểu mới với nguồn nhân lực trẻ, có trình độ và hơn hết, họ cùng “bắt tay nhau” vượt thử thách, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, liên kết chuỗi giá trị…

Nhân lực chất lượng cao, bước mở đầu chuyển đổi số

Nằm ven con sông La Ngà, vào tháng 6, từng cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu trút xuống vùng đất màu mỡ, giàu phù sa của huyện Đức Linh. Đập vào mắt chúng tôi là bạt ngàn cây ăn trái, hoa màu, dược liệu được những người nông dân chất phác, cần cù dày công chăm sóc.

z4465734697430_7d70bd2a23c25c4ed1bb12fbcea298a3.jpg
Anh Trần Quyết Tiến chăm sóc cây bạc hà sau lứa thu hoạch.

Trên cánh đồng xanh ngát ấy, anh Trần Quyết Tiến, một nông dân với 3 ha đất nông nghiệp đang canh tác trồng cây bạc hà lấy tinh dầu. Nhìn nét mặt tươi cười của anh Tiến khi “khoe” thành quả hệ thống tưới tự động, tiết kiệm và quét mã QR bằng điện thoại thông minh ngay tại ruộng để nắm thông tin truy xuất nguồn gốc, tôi hiểu anh đang rất vui vì thành quả có được nhờ chuyển đổi số, giải được bài toán đầu ra nông sản. Với mong muốn tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, anh đã liên kết với Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp Sen Núi (HTX Sen Núi) để được cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm nên thu nhập cao hơn nhiều so trước đây. Anh Tiến tính toán, hiện gia đình đang trồng thử nghiệm 1 sào cây bạc hà liên kết với HTX Sen Núi. Lứa đầu tối đa 3 tháng cắt 1 lần với năng suất 1 tấn tươi/sào, bán với giá 10.000 đồng/kg. Hiện anh Tiến đang tiếp tục hợp tác với HTX Sen Núi trồng bạc hà hướng an toàn như dùng thuốc sinh học, chế biến trà bạc hà hữu cơ, chiết xuất tinh dầu bạc hà ngay tại địa phương…

Nông dân này cho biết thêm, bên cạnh cây bạc hà, cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ với HTX Sen Núi, trên địa bàn xã còn có nhiều hộ dân khác với diện tích sản xuất liên kết gồm 12 ha ớt, 23 ha điều, 2 ha đậu Hàn Quốc. Trong đó, tổ liên kết xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc đạt hiệu quả cao, năng suất mang lại lợi nhuận khá cho nông dân. Đặc biệt, toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và ghi chép nhật ký đều được quản lý thông qua việc quét mã QR.

HTX Sen Núi thành lập từ tháng 10/2022, với 14 thành viên do anh Trần Đức Tuấn (SN 1985) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Hầu hết các thành viên trong HTX có tuổi đời dưới 40, hơn một nửa thành viên có trình độ cao đẳng, đại học, với 8 đảng viên. Với mong muốn mang sứ mệnh là cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường, người tiêu dùng, hướng đến chuỗi sản xuất xanh, HTX Sen Núi xác định “con người chính là chìa khóa của sự thành công”. Đội ngũ nhân sự chính là “linh hồn” cho sự phát triển lớn mạnh và bền vững của HTX. Vì vậy, tất cả thành viên của HTX Sen Núi ngoài kiến thức chuyên môn, còn được đào tạo nội bộ về kỹ năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo Giám đốc HTX Sen Núi, nhân sự phải có trình độ và trẻ hóa, những nông dân tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Đây là yêu cầu tất yếu để khắc phục rào cản về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hơn nữa, thực tế sản xuất thuần túy đang bị lạc lậu, “hụt hơi” khi công nghệ số đang ngày càng phát triển như vũ bão, nếu không có chuyển đổi số, nông nghiệp rất khó để phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

z4465792434787_8fc29ea1f455f78042c391e3df242dc4.jpg
Giám đốc HTX Sen Núi (áo xanh) và Tổ liên kết xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc.

Liên kết qua sàn thương mại điện tử

Nắm bắt chủ trương của Đảng, ngoài HTX Sen Núi, hiện nay HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo liên kết chuỗi, chăn nuôi sạch đạt hiệu quả cao. HTX lựa chọn những thành viên có chung chí hướng, dám “vượt qua vùng an toàn” để liên kết với nông dân.

z4465799829178_3bf618148277c3a10a5cc0f157859102(1).jpg
Thành viên HTX Sen Núi thực hiện chuyển đổi số bằng quét mã QR tìm kiếm thông tin.

Sự liên kết ấy được chúng tôi ghi nhận tại hộ ông Lê Minh Tâm – thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết). Ông Tâm chia sẻ, trước đây chúng tôi thiếu quy trình chăn nuôi, khó chọn giống vật nuôi, đầu ra bấp bênh, trong khi nguồn thức ăn tăng cao dẫn đến lợi nhuận thấp. Từ khi HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp thành lập (tháng 9/2022), ông Tâm trở thành thành viên HTX và kể từ đó, những nỗi lo trước đây của ông đã được tháo gỡ. HTX cung cấp giống vật nuôi gồm dông cát, gà thả vườn và bồ câu Pháp. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định…

z4465722283228_b3f670c9ca8bf5abfbfa1cd0526a01e1.jpg
Ông Lê Minh Tâm chăm sóc bồ câu Pháp hướng hữu cơ, liên kết chuỗi.

Ông Nguyễn Văn Tánh – Giám đốc HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp xuất thân từ nghề giáo viên với chuyên ngành công nghệ thông tin, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. HTX hiện có 10 thành viên, liên kết với Công ty TNHH SX TM DV Ba Tường trên địa bàn, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi sạch theo hướng hữu cơ, tuyệt đối nói không với chất phụ gia, tăng trọng. Với quy trình từ sản xuất đến đóng gói được kiểm soát bởi hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Khách hàng khi sử dụng sản phẩm chỉ cần quét mã QR, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy trình chăn nuôi…

lan_3487.jpg
Ông Nguyễn Văn Tánh – Giám đốc HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ.

Điểm chung của cả hai HTX nói trên, dù còn mới mẻ, nhưng kết quả đạt được cho thấy các HTX đã và đang phát triển chiến lược sản xuất, kinh doanh áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp. 2 HTX đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền nhận diện thương hiệu. Tất cả các khâu, lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến đều hoạt động theo chuỗi khép kín, thông qua phần mềm công nghệ thông tin nhằm quản lý nhật ký và truy xuất nguồn gốc. Riêng HTX Sen Núi hiện đã liên kết với 46 sàn thương mại điện tử, sapo (phần mềm quản lý bán hàng) khác nhau, như Lazada, Sen Đỏ, facebook, zalo… Đặc biệt, tất cả các cuộc họp thường lệ của HTX đều qua phần mềm Zoom nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và làm cho quy trình quản lý sản xuất thiết thực và hiệu quả hơn.

z4465723876764_5715f3851ccda27d8cdd16f39c2a8ef0.jpg
HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp liên kết kinh doanh trên nền tảng số.

Được biết, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Bài 2: Tận dụng thời cơ - tháo gỡ khó khăn

Bài 3: Cần sự đồng bộ, quyết liệt

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuyên truyền chuyển đổi số cho cán bộ công đoàn
Sáng 16/5, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số (CĐS) cho cán bộ công đoàn các cấp. Tham dự trực tiếp có 200 đoàn viên công đoàn và được kết nối trực tuyến với 10 huyện, thị, thành phố.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Xu thế tất yếu - giải pháp đột phá. Bài 1