Theo dõi trên

Chuyển đổi số trong giáo dục: Cơ hội và thách thức

21/03/2024, 05:46

Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy và học, góp phần cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường học tập thuận tiện nhất. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kết quả chuyển đổi số

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện tại chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong quản lý, ứng dụng công nghệ trong lớp học. Thời gian qua, công tác truyền thông về chuyển đổi số được các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện như thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số của đơn vị; thành lập các chuyên mục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ngày chuyển đổi số quốc gia... trên cổng thông tin điện tử của đơn vị...

aaa3b1e0-95aa-4236-8ebb-0e0b2ab2c480.jpeg
ac90a744-1ed2-40ed-92a8-99a09b19c28a.jpeg
Giáo viên tiếp cận chuyển đổi số

Hiện Sở GD&ĐT đã và đang triển khai đồng thời hai phần mềm quản lý giáo dục đó là phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT và phần mềm quản lý giáo dục VnEdu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đến tất cả các đơn vị giáo dục từ bậc mầm non đến cấp phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thống kê, tổng hợp số liệu ngành giáo dục để lưu trữ cũng như kịp thời báo cáo số liệu của ngành giáo dục và đào tạo khi có yêu cầu. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đang triển khai sử dụng phần mềm tập huấn để bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hàng năm. Đồng thời đang sử dụng phần mềm TEMIS để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm, phần mềm này liên thông với phần mềm bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn mô đun của giáo viên. Đối với hồ sơ sổ sách quản trị nhà trường và của cá nhân giáo viên, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị số hóa hồ sơ. Hiện 100% các trường quản lý học sinh trên hồ sơ điện tử. Hồ sơ giáo viên bao gồm kế hoạch dạy học, sổ theo dõi đánh giá học sinh, kế hoạch giáo dục… đều đã được quản lý trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhất là triển khai cung cấp các khóa học phổ biến bằng hình thức trực tuyến mở (MOOCS) cho mọi đối tượng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục dựa trên công nghệ số như tập huấn thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tập huấn với Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, đấu trường VnEdu và trạng nguyên nhí cho học sinh… Triển khai nền tảng số để chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập, tạo điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng tiếp cận như Sở GD&ĐT đã triển khai nền tảng số https://igiaoduc.vn/, Elearning của VNPT, K12Online của Viettel, MicroSoft Teams của Microsoft… để khai thác sử dụng trong giảng dạy và học tập... Ngoài ra, năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã sử dụng học bạ điện tử... Từ việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018.

1b9bcf6e-5016-450b-a030-ef772e46dbcf.jpeg
Chuyển đổi số trong dạy và học tại Trường THPT Ngô Quyền (huyện Phú Quý)

Giải pháp khắc phục khó khăn

Theo Sở GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng cho ngành giáo dục tỉnh nhà mà đang dùng chung cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT cung cấp và hệ thống của Tập đoàn VNPT. Việc khắc phục hạ tầng viễn thông cho các cơ sở giáo dục chưa được thực hiện. Việc triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục phổ thông chủ yếu mang tính lý thuyết...

Đối với công tác tổ chức dạy học trực tuyến, nguồn tài nguyên số cũng còn nhiều khó khăn. Về học liệu học trực tuyến, nhiều nguồn cung cấp tuy nhiên nguồn học liệu chính thống, đồng bộ của ngành chưa nhiều. Phần mềm học trực tuyến có nhiều, nhiều phần mềm miễn phí tuy nhiên còn vướng ở khâu bảo mật lớp học, quản lý lớp học khi học trực tuyến. Hạ tầng internet chưa bắt kịp nhu cầu dạy và học của ngành nên có nhiều nơi còn xảy ra tình trạng rớt mạng, mạng yếu khiến học sinh học trực tuyến chưa được hiệu quả trọn vẹn. Các cơ sở giáo dục thiếu thiết bị để giáo viên sử dụng dạy trực tuyến, hầu như giáo viên phải tự mua sắm để sử dụng. Mặt khác, đa phần giáo viên đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên vẫn có những giáo viên, cán bộ quản lý thay đổi chậm dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng chung...

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi nơi điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, thúc đẩy triển khai học liệu số, hình thành kho học liệu mở dùng chung cho toàn ngành, đồng thời hợp tác, liên kết với các tổ chức trên thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, khuyến khích và hỗ trợ triển khai các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số...

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận thí điểm giáo dục STEM ở bậc tiểu học
Năm học 2023 - 2024, Bình Thuận triển khai thí điểm dạy học chương trình giáo dục STEM trong các trường tiểu học. Bước đầu chương trình đã hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Nổi bật
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong giáo dục: Cơ hội và thách thức