Theo dõi trên

Chuyển đổi số trong ngành thủy sản: Xu thế tất yếu

17/07/2024, 05:05

Khi công nghệ số lan rộng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, thì ngành thủy sản cũng không ngoại lệ. Số hóa trong công tác quản lý đang là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, so với ngành nghề khác thì nghề cá chậm chuyển đổi hơn do nhiều yếu tố khác nhau.

Chuyển biến nhưng… chậm

Những năm gần đây, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản. Một số tàu đánh bắt xa bờ còn sử dụng các thiết bị hỗ trợ khai thác tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình, máy dò cá, thiết bị mành chụp 4 tăng gông, đèn led chiếu sáng… Nhiều chủ tàu cũng đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình đánh bắt nhằm nâng cao hiệu quả. Từ đánh bắt theo kiểu truyền thống, nay đa số ngư dân đã quen với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo vị trí đánh bắt qua hệ thống giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản…

z5281841648776_60326ee1f2f6dd0b56de26dd8439ba10.jpg
Ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của hàng ngàn ngư dân hoạt động trên tàu cá vẫn chậm so với yêu cầu thực tế. Hiện nay, việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính như hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá... vẫn còn thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Bên cạnh đó, việc yêu cầu ngư dân áp dụng viết nhật ký khai thác điện tử cũng còn nhiều vướng mắc.

Theo quy định, thuyền trưởng hay chủ các tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có nhật ký khai thác chuyến biển. Cụ thể, phải ghi, in và báo cáo đúng quy định về thời điểm, vị trí thả/thu lưới, sản lượng các loài hải sản, tổng sản lượng và các thông tin liên quan đến tàu. Tuy nhiên, các chủ tàu cá hiện nay vẫn viết nhật ký sơ sài hoặc vào đến cảng mới viết để đối phó, dẫn đến khó cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác (CC) cho doanh nghiệp chế biến hải sản. Do đó, cần ứng dụng công nghệ số ngay ở khâu ghi nhật ký khai thác hải sản của ngư dân. Đồng thời tích hợp hệ thống phần mềm quản lý của cảng cá với truy xuất nguồn gốc hải sản. Điều này không chỉ đảm bảo thông tin chính xác trong suốt hành trình tàu cá hoạt động trên biển mà khi tàu về đến cảng cá, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt. Từ đó đảm bảo việc xác nhận SC, chứng nhận CC nhanh gọn, chính xác và minh bạch.

ca-ve-cang-phan-thiet-anh-n.-lan-12-.jpg
Cá về cảng Phan Thiết buộc phải truy xuất nguồn gốc (ảnh: N. Lân)

Số hóa để truy xuất nguồn gốc

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký 5.939 tàu cá chiều dài từ 6 m trở lên và cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vn - fishbase). Đây là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và trở thành công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá. Mỗi khi tàu cập cảng, ngư dân làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, chỉ cần nhập số hiệu tàu cá lên hệ thống Vn - fishbase là biết được hành trình của tàu cá khai thác trên biển, để làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Thông qua hệ thống Vn - fishbase nhằm mục tiêu giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 2.358 tàu “3 không” chưa được đăng kiểm, đăng ký chính thức. Trong tháng 9 tới, Chi cục Thủy sản sẽ hoàn tất công việc này và cập nhật đầy đủ vào hệ thống Vn - fishbase.

bien-binh-thanh-tuy-phong-anh-nl-.jpg
Hàng ngàn tàu cá trong tỉnh đã cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. (ảnh: N. Lân)

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, một số ngư dân không sử dụng điện thoại thông minh, hoặc chưa chấp hành nghiêm túc. Ngoài ra, phần mềm ứng dụng eCDT chưa chạy được trên nền tảng IOS, chỉ dùng cho nền tảng Adroid, nên số lượng thực hiện còn rất hạn chế. Đến nay, Cảng cá Phan Thiết đã hướng dẫn, cài đặt thành công cho 110 chủ tàu/thuyền trưởng, 3 doanh nghiệp và đã có 62 tàu cá thực hiện yêu cầu khai báo rời cảng, 8 tàu cá thực hiện yêu cầu khai báo cập cảng. Cảng cá Phú Hải đã hướng dẫn cài đặt thành công cho 40 chủ tàu/thuyền trưởng và đã có 22 tàu cá thực hiện yêu cầu khai báo rời cảng. Cảng cá La Gi hướng dẫn cài đặt thành công cho 52 chủ tàu/thuyền trưởng; Cảng cá Phan Rí Cửa đã hướng dẫn cài cho 24 chủ tàu/thuyền trưởng và 1 doanh nghiệp, nhưng chưa có tàu cá thực hiện yêu cầu khai báo rời cảng. Hiện nay, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh đã đầu tư, trang bị các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành tương thích cho các cảng cá để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp truy cập, sử dụng hệ thống eCDT.

z4525990425936_ba048fa4b22b56ddaca01d36ff1f71ee.jpg
Thông qua hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi tàu cá hoạt động trên biển.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, tăng cường các biện pháp phòng, chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khâu quản lý, khai thác, chế biến, không chỉ hướng tới gỡ “thẻ vàng” IUU, mà quan trọng hơn là giúp ngành thủy sản của tỉnh thực hiện đúng các quy định mới của Luật Thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, là vị thế, hình ảnh của quốc gia
BTO-Đó là chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo Quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) diễn ra chiều 17/6. Tại Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã dự hội nghị cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong ngành thủy sản: Xu thế tất yếu