Theo dõi trên

Chuyển giao giống heo cỏ bản địa cho vùng đồng bào: Hứa hẹn làm “sáng” kinh tế chăn nuôi truyền thống

26/06/2024, 06:23

Phân viện Chăn nuôi Nam bộ vừa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận chuyển giao heo cỏ bản địa cho một số hộ chăn nuôi ở xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) và Phan Sơn (Bắc Bình). Đàn giống này góp phần khôi phục lại đàn heo tại địa phương. Qua đó, góp phần lan tỏa trong khu vực, làm tăng sinh kế cho người chăn nuôi tại Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Đa dạng sinh kế

Trong buổi bàn giao giống heo cỏ Bình Thuận, thuộc mô hình “Xây dựng đàn sản xuất (đàn nhân giống) heo cỏ Bình Thuận tại xã Đông Giang, 2 hộ dân là ông K’ Văn Tính, thôn 1 và ông K’ Văn Vĩnh, thôn 3 đều không giấu được niềm vui. Họ là những hộ dân được Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đến chuyển giao heo giống. Đây là những con giống thuần “hạt nhân” mà đơn vị có thời gian dài đến tại địa phương này để thu thập đàn giống rồi đem về tiến hành bảo tồn, đồng thời không ngừng chọn lọc để cải tiến năng suất và chất lượng. Đến nay, giống heo cỏ Bình Thuận giao lại cho đồng bào đã cải thiện về khả năng sinh sản và sinh trưởng tăng 15 - 20% so với đàn heo cỏ gốc ban đầu.

a191d83a49a4eafab3b5.jpg
Đại diện các đơn vị, địa phương tại buổi bàn giao heo cỏ cho hộ ông K' Văn Tính.

Chia sẻ niềm vui này, ông K’ Văn Tính cho biết: “Gia đình đã nuôi heo 5 năm. Đến nay, nhờ sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị liên quan, tôi được hỗ trợ 11 con heo (10 con heo cái và 1 con heo đực) và sẽ cố gắng nhân rộng để bà con trong xã có heo tái đàn. Quá trình nuôi, phát triển đàn, chúng tôi mong muốn có thị trường đầu ra để bà con ổn định, phát triển sinh kế lâu dài.

ab3fe87779e9dab783f8.jpg
TS. Nguyễn Văn Hợp –Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học và vi sinh, Phân Viện chăn nuôi Nam Bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hộ gia đình.

TS. Nguyễn Văn Hợp –Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học và vi sinh, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong những năm qua, do tình hình dịch bệnh nên số lượng cá thể heo cỏ Bình Thuận đã giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, quản lý giống gần như không kiểm soát nên giống heo này đã bị lai tạp và không còn thuần chủng. Năm 2009, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ - Viện Chăn nuôi đã thu thập đàn giống và tiến hành bảo tồn. Song song, Phân viện Chăn nuôi đã không ngừng chọn lọc để cải tiến năng suất và chất lượng. Đến năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp kinh phí cho Phân viện Chăn nuôi Nam bộ để khai thác và phát triển giống heo này. Hiện tại giống heo cỏ Bình Thuận đã cải thiện về khả năng sinh sản với số con sơ sinh trung bình đạt 8 con/ổ và hơn 14 con cai sữa/nái/năm. Khả năng sinh trưởng đã tăng từ 15 – 20% so với đàn gốc ban đầu.

0937c36e52f0f1aea8e1.jpg
fc83b0f921678239db76.jpg
Đàn heo cỏ Bình Thuận sau khi được bàn giao tại hộ chăn nuôi.

Tăng hiệu quả kinh tế

Theo đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận để chuyển giao 40 con cái và 10 con đực, thức ăn, thuốc thú y cho các hộ chăn nuôi. Đàn giống này góp phần khôi phục lại đàn heo tại địa phương sau dịch. Song song, nhân thuần đàn heo cỏ Bình Thuận, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã tiến hành khai thác giống heo này để lai tạo với giống heo đen Nhật Bản. Bước đầu kết quả cho thấy, khối lượng cơ thể đã tăng hơn so với giống heo gốc khoảng 30%, khả năng sinh sản tăng 15%, tỷ lệ nạc tăng 20% và tỷ lệ mỡ giắt tăng 2,1%, thịt ngon hơn các giống heo khác…

56514f49ded77d8924c6.jpg
Giống heo cỏ Bình Thuận được chuyển giao, nhân rộng tại xã Phan Sơn (Bắc Bình).

Có mặt tại buổi bàn giao, Ths. Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh mong muốn các hộ dân duy trì, bảo tồn nguồn gen, đàn heo nái để nhân rộng đàn heo con trong cộng đồng. Đồng thời cho biết, nhân giống và nuôi heo ở đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển du lịch cộng đồng cũng như đa dạng sản phẩm để xây dựng mô hình gắn với du lịch, tạo sinh kế bền vững cho bà con các xã miền núi nói chung và Đông Giang, Phan Sơn nói riêng. Ông Sơn cho biết, Trung tâm Khuyến nông đã và đang kết nối với các viện, trường, công ty, doanh nghiệp để đa dạng hóa các mô hình cho vùng đồng bào, tạo thêm nhiều hướng sinh kế cho bà con, không dừng lại ở trồng cây bắp lâu nay ở vùng miền núi. Cùng với heo cỏ, thời gian tới khuyến nông sẽ bố trí thêm một số mô hình trồng rau rừng hữu cơ và phát triển cây dược liệu bản địa để hỗ trợ bà con có thêm nhiều cách để mưu sinh, vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế và nâng cao đời sống.

Ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian qua thông qua nhiều nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT, cụ thể là Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Trong đó, có mô hình chăn nuôi heo đen bản địa theo nguồn gen đã được Phân viện Chăn nuôi chọn lọc, thực hiện tại xã Đông Giang và nhân rộng tại xã Phan Sơn. Công tác khuyến nông được quan tâm đã góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, phù hợp với quy hoạch địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu triển khai chăn nuôi heo cỏ tại Bình Thuận nhằm khôi phục và lan tỏa giống heo có nguồn gốc tại đây. Trong thời gian tới Bình Thuận có thể sản xuất được sản phẩm thịt heo đặc trưng của tỉnh với giá trị về chất lượng thịt, giá trị về xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân đặc biệt là nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc tại đây. Thịt heo đặc trưng của Bình Thuận sẽ là một món quà có giá trị mà khách du lịch đến với Bình Thuận. Đây là mô hình hứa hẹn làm sáng lại kinh tế chăn nuôi truyền thống gắn với giống heo có nguồn gen chọn lọc được bảo tồn, kết hợp phát triển du lịch nông thôn, miền núi trong tương lai gần.

Theo Phân viện chăn nuôi, heo cỏ hay heo đen Bình Thuận có nguồn gốc từ xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, sau đó được nuôi ở các tỉnh Nam Trung bộ. Heo cỏ Bình Thuận thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh tốt, rất tạp ăn, có thể gặm cỏ, đào giun, ăn cỏ khô và thức ăn nghèo dinh dưỡng. Đặc biệt, giống heo cỏ Bình Thuận có thể thích nghi tốt với điều kiện ở biển và hải đảo như Trường Sa. Bên cạnh đó, giống heo này gắn bó với đồng bào dân tộc tại Bình Thuận và Ninh Thuận từ xa xưa, phù hợp với tập quán chăn nuôi tại nơi này. Các sản phẩm chăn nuôi được sử dụng trong các dịp lễ tết, đám tiệc của bà con đồng bào… Bên cạnh các ưu điểm rất tốt thì giống heo cỏ Bình Thuận cũng có một số nhược điểm nhất định như khối lượng cơ thể nhỏ, khả năng sinh trưởng chậm và tỷ lệ nạc chưa cao.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hoạt động khuyến nông: Cầu nối tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân
Những năm qua, hoạt động khuyến nông đã trở thành cầu nối vững vàng, giúp nông, ngư dân trong tỉnh nắm bắt kịp thời các tiến bộ kỹ thuật mới. Kết quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để thêm sức lan tỏa và nhân rộng những tiến bộ ấy, hoạt động khuyến nông cần khắc phục những tồn tại đang là lực cản hiện nay.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển giao giống heo cỏ bản địa cho vùng đồng bào: Hứa hẹn làm “sáng” kinh tế chăn nuôi truyền thống