Theo dõi trên

Chuyện làm ăn: Giá nông sản tăng cao nông dân phấn khởi

12/06/2024, 05:02

Tiêu, cà phê, hạt điều, mủ cao su và lúa đều tăng giá tạo sự phấn khởi cho nông dân tái đầu tư…

Những ngày gần đây nông dân trồng điều tranh thủ đi “mót” những hạt điều cuối vụ. Thường mọi năm vào dịp này rất ít người lên vườn điều để đi nhặt số điều sót lại vào cuối mùa. Tuy nhiên, năm nay giá điều tăng gấp đôi, từ 23.000 – 25.000 đồng/kg đầu vụ nay tăng lên 55.000 đồng/kg nên nhiều người “tiếc của”, tranh thủ đi nhặt hạt để kiếm tiền đi chợ. Đối với hồ tiêu, cà phê giá cũng tăng “chóng mặt”. Hồ tiêu cuối vụ năm ngoái chỉ ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg nhưng đầu vụ năm nay đã lên 80.000 đồng/kg rồi 110.000 đồng/kg và hiện nay đã lên gần 170.000 đồng/kg. Ở Bình Thuận hồ tiêu có nhiều ở vùng Đức Linh, Tánh Linh. Những năm trước hầu như nhà nhà trồng tiêu, năm 2015 hạt tiêu khô lập đỉnh 250.000 đồng/kg đã giúp dân trồng tiêu “trúng đậm” nhiều hộ xây được nhà từ nguồn thu nhập hồ tiêu. Tuy vậy, sau đó nhiều vườn tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt cộng thêm giá tiêu rớt xuống thấp chỉ 40.000 – 55.000 đồng/kg nên nhiều hộ bỏ vườn hoặc không đầu tư đúng mức nên diện tích tiêu giảm hẳn. Năm rồi tiêu có dấu hiệu tăng giá trở lại nên nhiều nông dân trồng tiêu nhạy bén đã đầu tư khôi phục diện tích tiêu còn sống nên mùa này có thu nhập cao từ cây tiêu. Toàn tỉnh hiện nay diện tích tiêu ước chỉ khoảng gần 400 ha, năng suất bình quân 15 – 16 tạ/ha. Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế tăng cao cả về số lượng, chất lượng và giá cả nhưng nguồn cung không đủ cầu nên các chuyên gia dự doán trong thời gian tới giá tiêu còn tăng và chưa có điểm dừng… Trong đợt nắng hạn vừa qua nhiều diện tích lúa của Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong thiếu nước dẫn đến năng suất không như kỳ vọng. Bù lại giá lúa tăng (có lúc đạt 10.000 đồng/kg) nên dân trồng lúa tiếp tục “bội thu” sau 2 vụ liên tiếp có giá cao…

cay-tieu-o-duc-linh-anh-n.-lan-1-.jpg
Tiêu đang tăng giá từng ngày. Ảnh Ngọc Lân

Tháng 6, khi những cơn mưa ồ ạt rơi xuống thấm đất cũng là thời điểm dân trồng cao su vào mùa cạo mủ. Khác với đầu vụ năm 2023, giá cao su chỉ dao động 23 - 24 triệu đồng/tấn khiến nhiều trang trại cao su không mở miệng, bởi cạo sẽ lỗ vốn, chỉ bón phân cầm chừng dưỡng cây, khi giá nhích lên 28 – 29 triệu đồng/tấn thì mới tập trung cạo. Mủ cao su năm 2023 thời điểm giá cao nhất chỉ ở mức 32 – 33 triệu đồng/tấn. Năm nay, mới vào mùa cạo mủ, tư thương đã chào giá 37 triệu đồng/tấn. Còn hiện nay giá đã tăng lên 38 – 38,6 triệu đồng/tấn. Lý giải về việc mủ cao su tăng giá đột biến, một cán bộ làm trong ngành cao su cho biết là do nhu cầu thị trường quốc tế tăng cao nên các đơn vị trong nước có nhiều đơn hàng để xuất khẩu: Mủ cao su tăng giá có một phần các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia… thay thế cây cao su bằng các loại cây trồng khác như sầu riêng nên diện tích bị thu hẹp, sản lượng cung ứng cho thị trường giảm dẫn đến đơn hàng thị trường quốc tế dồn về Việt Nam nhiều hơn mọi năm. Anh Nguyễn Bình ở La Dạ có vườn cao su khoảng 9 ha cho biết: Nhiều người thấy sầu riêng có giá cao đã loại bỏ vườn cao su để trồng sầu riêng, đây là bài toán khó bởi liệu sau 5 năm giá sầu riêng liệu có được như hiện nay hay lại chịu cảnh được mùa mất giá. Với gia đình tôi, cây cao su vẫn có thu nhập ổn định nên giữ lại. Năm nay giá mủ đầu mùa tăng cao hứa hẹn cho dân trồng cao su “bội thu”…

Thị trường nông sản và các sản phẩm nông nghiệp đang có sự biến động giá cả tăng cao khác thường so với những năm trước. Với cao su, hồ tiêu, cà phê, hạt điều giá đang “nhảy múa” tăng từng ngày và người nông dân được hưởng lợi. Hy vọng, việc giá nông sản tăng giữ được thời gian dài và ổn định để tạo thuận lợi cho người dân bám trụ lâu dài với các cây trồng chủ lực trong quy hoạch của tỉnh…

ĐẠI LỰC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ kinh tế xã hội trong nửa cuối năm 2024
Tại cuộc họp chiều 10/6, do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì, đã nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nửa cuối năm 2024. Cùng tham dự có đại diện HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội - đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố dự họp tại phòng họp trực tuyến của địa phương.
Nổi bật
Phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024
Chiều 18/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dự; ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 250 đại biểu chính thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện làm ăn: Giá nông sản tăng cao nông dân phấn khởi