Theo dõi trên

Chuyện lớn quanh việc ngưng chở gia súc ra đảo Phú Quý. Bài 1

09/08/2024, 06:48

Bài 1: Món bò nóng đặc sản “lung lay”

Chuyện tưởng không lớn nhưng 2 tháng qua điều đó đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, kinh tế du lịch trên đảo Phú Quý rất nhiều.

“Bò nóng” đang nóng

Đến lúc này, tính ra đã khoảng 2 tháng sau khi các tàu chở hàng hóa từ cảng Phan Thiết ra Phú Quý ngưng không chở gia súc thì giá thịt heo, thịt bò tại các chợ truyền thống trên đảo tăng vọt. Giá thịt heo lên khoảng 250.000 đồng/kg, thịt bò lên khoảng 390.000 – 400.000 đồng/kg. Tình hình càng thêm xao xác, khi người dân trên đảo lâu nay không ăn thịt bò, heo đông lạnh nên việc lựa chọn thịt, nghi ngờ thịt đông lạnh và hàng tại chỗ trộn lẫn tăng. Trong khi đó, các quán có bán món bò nóng trên đảo đang đối mặt với nguy cơ mất món ăn đặc sản của đảo. Vấn đề không chỉ du khách ra đảo không ăn, vì nghi ngờ là bò đông lạnh và lại có giá quá đắt so với trước mà còn vì chính giá đắt ấy góp phần đẩy giá tour Phú Quý lên cao, khiến việc triển khai các tour về đảo gặp khó khăn. Vì bỏ món bò nóng ra khỏi thực đơn thì du khách không đồng ý mà để lại với yêu cầu giá như trước thì các cơ sở ở đảo lỗ…

z5711207985476_ac80284e7ae1220654c91fc42a0a776e.jpg

Chủ các quán bán món bò nóng trên đảo cho biết, món bò nóng là một trong những món đặc sản của Phú Quý từ rất lâu đời. Nóng ở đây không hiểu theo nghĩa đen mà là nghĩa bóng, được thể hiện qua các khâu chế biến, thưởng thức liên quan đến phong tục, tập quán được lưu truyền tại đảo. Nó tương tự như món bê thui, người ăn muốn ăn gì sẽ tự đến cắt lấy thịt đem về bàn đã có sẵn rau, nước chấm các loại mà sử dụng hoặc thêm nguyên liệu khác để tạo ra món bản thân thích như bò tái, xào hay cháo... Vì thế, bữa ăn quanh món bò nóng này rất vui, nhộn nhịp nên luôn được người dân trên đảo sử dụng để chiêu đãi vào các dịp thân mật, quan trọng, nhất là những lúc Việt kiều về quê. Món ăn này đặc biệt ở chỗ là bò sử dụng được mua từ đất liền và vận chuyển về đảo nuôi từ 3-5 tháng, có khi đến 1 năm mới mang ra thịt. Có thể bò đất liền được tiếp tục nuôi lớn trong không gian biển đảo, ăn thức ăn cũng thấm đẫm không khí biển nên thịt bò rất thơm, mềm và ngọt thịt đặc trưng. Vì thế, món bò nóng trở thành một món ăn đặc sản của huyện đảo Phú Quý. Khi du khách ra đảo đông hơn mỗi ngày thì các quán sá và công ty lữ hành đã phối hợp đưa các món đặc sản trên đảo vào phục vụ thực khách. Nghiễm nhiên món bò nóng trở nên “hot”, khách du lịch rất thích và từ lúc nào không biết trong giới xê dịch nhắn nhau rằng đó là món cần thử khi đến Phú Quý.

z5712988933386_af055dbeba5174033ddd5b96dd322635.jpg

Cũng theo thông tin từ các quán có bán món bò nóng trên đảo, vào những tháng cao điểm du lịch, mỗi ngày ở mỗi quán bán hết 1 con bò. Ở đảo có 6 quán nên tính ra mỗi tháng cần có hơn 150 con bò đáp ứng tiêu chuẩn để triển khai món ăn phục vụ khách. Còn lúc thấp điểm thì cũng cần hơn 100 con bò/ tháng. Đó là chưa tính bò được xẻ thịt bán tại các chợ truyền thống trên đảo. Vì thế, thời gian đầu trong 2 tháng qua, các quán còn cầm cự được và giá thịt bò, heo tại các chợ truyền thống có nhích cao nhưng còn chấp nhận được. Còn đến lúc này thì hầu như không chịu đựng được tiếp, sau khi đã thử hết cách.

432783874_807285184751016_1947309875163561895_n.jpg

Chở bò chui về đảo

Chủ các dịch vụ liên quan đến phục vụ khách du lịch trên đảo xin giấu tên cho biết, khi tàu hàng chở kèm gia súc tuyến Phan Thiết – Phú Quý bị Cảng vụ hàng hải Bình Thuận “tuýt còi” ngưng chở gia súc, vì chưa đảm bảo theo quy định đặt ra, trong khi khách du lịch vẫn đến đảo liên tục nên cơ sở đã cho người tìm đường khác. Kết quả là có tàu chịu chở bò ra đảo nhưng xuất bến ở cảng khác với chi phí chuyên chở rất cao, đến 2,5 triệu đồng/con, trong khi trước đó chi phí chở của tàu hàng ở cảng Phan Thiết chỉ 800.000 đồng/con. Để thuận đường đi, người của cơ sở đi mua bò ở các xã vùng cao của Bắc Bình, Tuy Phong, sau đó chở bò ra Cảng Vĩnh Tân, có lúc chở ra tận cảng Phan Rang để lên tàu hàng đưa về đảo Phú Quý.

Tuy nhiên, điều đáng lo là dù chở với giá cao nhưng bò lại không bảo đảm sức khỏe khi về đảo. Thường 1 tàu chở chui như vậy đòi hỏi phải đủ số lượng từ 100-200 con bò và heo lẫn lộn. Trong hành trình nhận và trả bò như thế, có thể do chặng đường xa hoặc nhiều lý do khác nên khi về tới đảo heo bò bị chết. Còn nếu không chết thì sức khỏe yếu nên không thể nuôi hoặc chăm sóc lâu dài để cho bò mạnh khỏe đến ngày xuất chuồng. Điều này khiến thất thoát tài chính rất nhiều cho các chủ cơ sở và hơn thế nữa, món bò nóng cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trong thực đơn cho khách du lịch. Và trước mắt, có 5 quán bò nóng trên đảo cho biết sẽ đóng cửa quán trong 1-2 tuần nữa, vì cạn nguồn “nguyên liệu” bò để chế biến món bò nóng, dù tàu hàng vẫn chở thịt bò, thịt heo đông lạnh trong đất liền ra.

430988055_798900225589512_6548225877667835463_n.jpg

Hiện nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, người dân nói chung và chủ các cơ sở cung cấp heo bò nói riêng đang rất bức xúc. Vì vậy, các cơ sở như đã gửi đơn đến Huyện ủy Phú Quý, Hiệp hội du lịch BÌnh Thuận kiến nghị tháo gỡ tình hình trên để tạo điều kiện cho du lịch Phú Quý tiếp tục phát triển, trong đó có việc bảo tồn các món ăn đặc sản của địa phương, nhất là món bò nóng cũng như quảng bá hình ảnh bản sắc địa phương đến với các du khách.

Nhiều người dân trên đảo băn khoăn rằng, những năm trước từ những chuyến tàu Bình Thuận 16, Bình Thuận 18, Quê Hương 02 là những tàu khách nhưng vẫn chở được gia súc cung cấp cho người dân Phú Quý. Đến bây giờ có riêng tàu chuyên chở hàng thì lại cấm chuyên chở gia súc. Để giải quyết bức xúc người dân, các cơ sở kinh doanh có liên quan, UBND huyện Phú Quý vừa có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban quản lý các Cảng cá Bình Thuận đề xuất hướng tháo gỡ.

Món ăn này đặc biệt ở chỗ là bò sử dụng được mua từ đất liền và vận chuyển về đảo nuôi từ 3-5 tháng, có khi đến 1 năm mới mang ra thịt. Có thể bò đất liền được tiếp tục nuôi lớn trong không gian biển đảo, ăn thức ăn cũng thấm đẫm không khí biển nên thịt bò rất thơm, mềm và ngọt rất đặc trưng. Thế nên, giới xê dịch nhắn nhau rằng đó là món cần thử khi đến Phú Quý.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Tác động tích cực từ tín dụng chính sách xã hội
BTO-Thực tế cho thấy, nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện mà nhất là các địa bàn còn khó khăn hoặc vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lớn quanh việc ngưng chở gia súc ra đảo Phú Quý. Bài 1