Theo dõi trên

Chuyện về những người đốt lò sấy mủ cao su

27/12/2023, 06:09

Nhiều người đang làm nghề đốt lò sấy mủ cao su tại các cơ sở chế biến mủ cao su ở các địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh, họ không có những thiết bị bảo hộ sức khỏe, ngày đêm phải đối mặt với chất khí thải độc hại từ củi thải ra trong quá trình đốt lò sấy. Chuyện nhiễm độc ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp là điều tất yếu nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ buộc phải chấp nhận.

Gồng mình nhấc khúc củi to, nặng vài chục kg để cho vào lò lửa đang cháy rực, trong hơi cay nồng nặc, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1972), thường trú khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh phân bua: “Cực lắm, ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn, nhưng đã trót theo nghề này và cũng vì miếng cơm manh áo thì phải chấp nhận thôi, chớ biết làm nghề gì khác bây giờ…”. Suy nghĩ của anh Thành cũng là suy nghĩ chung của nhiều người đang hành nghề đốt lò sấy mủ cao su tại các cơ sở sơ chế mủ cao su trên địa bàn huyện Tánh Linh, khi đa phần không có việc làm ổn định, thiếu đất sản xuất phải đứng trước cuộc mưu sinh đầy nguy hiểm và vất vả.

mu-to-da-duoc-say-chin.jpg

Anh Thành cho biết thêm: Mình đến với nghề đốt lò sấy mủ cao su đã ngót nghét gần 15 năm rồi. Hiện tại anh cùng với một người thợ đốt lò khác đang làm công cho một cơ sở sơ chế mủ cao su trên địa bàn xã Gia Huynh. Dãy lò sấy 2 người đảm trách có diện tích khoảng 300 m2, với 10 lò sấy. Mỗi lò sấy được xếp 8 dây mủ tờ đã được phơi nắng khô ráo trước khi đưa vào sấy. 2 người chia làm 2 ca, mỗi ca làm việc xuyên suốt 1 ngày và 1 đêm, ăn uống cũng tại đây, sau khi bàn giao ca cho người khác mới được về nhà nghỉ ngơi lấy lại sức. Trong thời gian làm việc, kể cả ban đêm cũng không được ngủ. Vì ngoài điều chỉnh củi lửa, canh nhiệt độ thì còn phải làm thêm một số việc khác, đặc biệt phải chú ý đến phòng cháy chữa cháy. Người ngoài nhìn vào nghĩ rằng công việc đốt lò sấy không có gì khó nhưng thực ra đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm thì mới làm được. Hiện nay quy trình đốt lò ở các cơ sở chế biến mủ cao su vẫn áp dụng phương thức thủ công truyền thống là chính như: Củi (chủ yếu là cây điều, cao su) đã được cưa thành từng đoạn ngắn khoảng gần 1 mét, chất vào miệng lò, châm lửa đốt cháy, quạt máy bên ngoài thổi vào miệng lò để đẩy hơi nóng vào lan tỏa đều khắp các dãy mủ tờ bên trong thân lò. Điều quan trọng nhất là phải đốt lửa liên tục 1 ngày và 1 đêm không để tắt. Đồng thời, xem nhiệt độ trên đồng hồ đo (tầm 75oc). Thi thoảng phải mở cửa thân lò để xem mủ tờ đã chín chưa, đảm bảo yêu cầu chưa để điều chỉnh củi lửa và nhiệt độ. Sau khi mủ chín thì mới tắt lửa để bộ phận khác lấy mủ ra, rồi chuyển mủ tờ vào và tiếp tục sấy tiếp mẻ khác. Mỗi mẻ sấy được 7.000 kg/10 lò/1 ngày và 1 đêm. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại tiền công mỗi tháng cũng được tầm 15 triệu đồng đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

a-thanh.jpg

Vừa chụm củi cửa lò này xong anh Thành vội vàng đi qua miệng lò khác để tiếp tục điều chỉnh củi để ngọn lửa cháy mạnh hơn, lan tỏa hơi nóng nhiều hơn. Chưa dừng lại ở đó anh lại mở cửa thân lò để nhìn vào bên trong xem những lá mủ tờ màu sắc thế nào, đã chín chưa… Anh Thành lại nói tiếp: Nếu như thời gian trước, mỗi năm tôi nhận đốt lò cho cơ sở chế biến mủ cao su được từ 8 - 9 tháng, thì năm nay thời gian đốt lò chỉ còn khoảng 7 tháng. Bởi theo anh là do các năm gần đây giá mủ cao su tụt giảm, người trồng cao su ít quan tâm hơn đến việc chăm sóc bón phân, nhiều hộ còn không thèm khai thác mủ, vì vậy lượng mủ sụt giảm đáng kể. Thời gian đốt lò giảm đồng nghĩa thu nhập năm nay cũng giảm. Hiện tại những người thợ đốt lò sấy mủ cao su đang cố gắng làm việc chăm chỉ để có khoản tiền công xứng đáng dùng vào việc chi tiêu cho cái tết sắp tới vui vẻ, đầy đủ.

Không khí cũng đã quá ngột ngạt, khó chịu, đau đầu… phải tạm biệt những người thợ đốt lò tại các cơ sở sơ chế mủ cao su, điều chúng tôi trăn trở ở đây là hầu hết họ không có những thiết bị bảo hộ sức khỏe khi ngày đêm phải đối mặt với chất khí thải độc hại từ củi thải ra trong quá trình đốt lò, chưa kể đến mùi hôi thối nồng nặc từ việc sơ chế mủ cao su. Chuyện nhiễm độc, ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp kể cả trước mắt và về sau là điều khó tránh khỏi.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dịp Tết Nguyên đán và trong mùa thời tiết xấu năm 2024: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại
Hàng năm, công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa luôn được địa phương quan tâm triển khai nhằm đảm bảo cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại cho người dân huyện đảo Phú Quý khi có thời tiết xấu xảy ra.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về những người đốt lò sấy mủ cao su